February 04, 2023 | 00:53 GMT+7

Sửa Luật đất đai 2013: Hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3

Nhĩ Anh -

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân vừa ký Quyết định số 120/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 25/4...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Kế hoạch, dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân đối với Luật Đất đai (sửa đổi); hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023; Báo cáo Ban chỉ đạo về việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) việc tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 28/3/2023.

Cũng theo Quyết định này, trước ngày 01/4/2023 sẽ trình Chính phủ dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý.

Cũng theo Kế hoạch, sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được tiếp thu, hoàn thiện báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 05/4/2023.

Kế hoạch phối hợp với các tổ chức, Bộ ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Kế hoạch phối hợp với các tổ chức, Bộ ngành, địa phương lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Cùng với đó, tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 trước ngày 25/4/2023.

Dự kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến trong khoảng thời gian từ ngày 20- 23/2/2023; phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lấy ý kiến từ 1- 3/3/2023; phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến từ 3- 5/3/2023; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo yêu cầu của các cơ quan chủ trì; hội thảo lấy ý các doanh nghiệp, liên hiêp hội, chuyên gia, nhà khoa học tại Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng 10- 15/3/2023.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổ chức các Đoàn công tác đôn đốc việc lấy ý kiến nhân dân ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc tại Hòa Bình và Lạng Sơn; khu vực Đồng bằng Sông Hồng tại Thái Bình; Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung tại Nghệ An và Đà Nẵng; vùng Tây Nguyên tại Gia Lai; vùng Đông Nam Bộ tổ chức tại Bà Rịa- Vũng Tàu; vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tại thành phố Cần Thơ.

Trước đó, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 27/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến cần xác định đúng đối tượng, nội dung trọng tâm, tổ chức nghiên cứu, tổng hợp ý kiến, đề xuất hướng tiếp thu, chỉnh lý để dự thảo luật có tính thực tiễn, khả thi, dự báo được tác động chính sách, bảo đảm các điều kiện về nhân lực, vật lực khi triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành thực hiện rà soát, có phương án phù hợp để sửa đổi các luật liên quan đang có hiệu lực hoặc trong quá trình soạn thảo, bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ rà soát, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để nhắc nhở, đôn đốc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong quá trình lấy ý kiến tại địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý đến sự khác nhau trong chính sách đất đai ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc. Vì vậy, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định cần trực tiếp lắng nghe ý kiến từ địa phương. Trong đó tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, từ đó, đưa ra chính sách có tính đặc thù, phù hợp cho từng vùng, từng địa phương.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate