Ngày 11/8, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Luật Đấu giá tài sản và Nghị định 62/2017 đã quy định hình thức đấu giá trực tuyến. Trong bối cảnh giãn cách xã hội do ảnh hưởng dịch Covid-19, hình thức đấu giá trực tuyến được sử dụng công khai tại một số địa phương, nhờ đó đảm bảo việc xử lý tài sản của cơ quan, tổ chức theo đúng kế hoạch, vừa góp phần hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”.
Tính đến ngày 31/7/2022, cả nước có 7 tổ chức đấu giá tài sản được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện theo hình thức đấu giá trực tuyến.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến theo Nghị định 62 phát sinh một số bất cập, hạn chế, không đảm bảo tính thống nhất trong thực tiễn tổ chức thực hiện.
QUY ĐỊNH THIẾU THỐNG NHẤT
Trên thực tế, Nghị định 62 chỉ quy định cuộc đấu giá được tổ chức trực tuyến còn quy trình niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, việc bán hồ sơ, nộp hồ sơ, tiền đặt trước trực tiếp… vẫn được thực hiện trực tiếp nên các tổ chức đấu giá tài sản lúng túng trong việc áp dụng, mỗi tổ chức thực hiện một cách khác nhau, làm giảm tính hiệu quả.
Mặt khác, do quy định chưa đầy đủ nên một số tổ chức đấu giá đã hướng dẫn người tham gia đấu giá mua hồ sơ, nộp hồ sơ đăng ký thông qua email hoặc tài khoản web đã được đăng ký. Một số đơn vị khác lại yêu cầu nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện Việc nộp tiền đặt trước cũng thực hiện không thống nhất, có tổ chức yêu cầu chuyển khoản, có tổ chức yêu cầu nộp thông qua tài khoản truy cập của trang đấu giá trực tuyến đã cấp… Điều này phản ánh không đúng bản chất của hình thức đấu giá trực tuyến.
Ngoài ra, Nghị định 62 quy định các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng và vận hành trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt mà chưa có quy định về trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá, người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức thực hiện cũng như việc áp dụng rộng rãi hình thức này trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là việc đấu giá tài sản công, quyền sử dụng đất có giá trị lớn.
Trước thực tiễn trên, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 62 để quy định đầy đủ, thống nhất, đồng bộ hình thức đấu giá trực tuyến và xây dựng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất (tích hợp vào Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản đang vận hành) do cơ quan nhà nước là đầu mối vận hành, quản lý thống nhất, thông suốt trên phạm vi toàn quốc để thúc đẩy việc sử dụng hình thức đấu giá trực tuyến là rất cần thiết.
SẼ CÓ KHO CHUNG VỀ TÀI SẢN ĐẤU GIÁ
Theo tờ trình, dự thảo Nghị định gồm sẽ sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định 62 về tổ chức chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến và sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định 62 về trình tự thực hiện đấu giá bằng hình thức trực tuyến.
Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Nghị định 62 theo hướng bổ sung chủ thể Bộ Tư pháp là cơ quan xây dựng, vận hành và quản lý Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất trong phạm vi cả nước, bên cạnh quy định các tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được xây dựng và vận hành Trang thông tin diện tử đấu giá trực tuyến.
Đồng thời, dự thảo bổ sung khoản mới quy định về chi phí đăng thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử quóc gia về đấu giá tài sản quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản và giao Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết nội dung này nhằm tạo thêm khoản thu phục vụ hiệu quả cho việc vận hành, phát triển các tính năng của Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.
Về việc sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Nghị định số 62, dự thảo quy định cụ thể trình tự, thủ tục đấu giá bằng hình thức trực tuyến đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Theo đó, toàn bộ quy trình tổ chức đấu giá từ niêm yết, thông báo công khai, việc tổ chức bán nộp hồ sơ, nộp tiền đặt trước đến việc tổ chức cuộc đấu giá, lập biên bản đấu giá đều được thực hiện trên môi trường internet.
Cụ thể, Tổ chức đấu giá tài sản đăng công khai Quy chế cuộc đấu giá, Thông báo công khai đấu giá, hình ảnh về tài sản đấu giá, giấy tờ tài liệu liên quan trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ đăng ký tham gia và tiếp nhận hồ sơ của khách hàng thông qua tài khoản truy cập của người tham gia đấu giá sau khi người tham gia thanh toán tiền mua hồ sơ trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Người tham gia đấu giá xem tài sản, giấy tờ, tài liệu trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước thông qua chuyển khoản banking hoặc hình thức thanh toán trực tuyến khác được liên kết với Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến và được tổ chức đấu giá tài sản xác nhận tính hợp lệ của tài khoản truy cập đã cấp.
Người tham gia đấu giá thực hiện việc trả giá theo tài khoản truy cập đã được tổ chức đấu giá tài sản cấp và xác nhận hợp lệ trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Các nội dung về biên bản đấu giá trực tuyến, thông báo kết quả đấu giá trực tuyến… được thực hiện theo quy định của Nghị định 62.
Hiện nay, Nghị định số 62 là Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Đấu giá tài sản.
Sau vụ đấu giá đất ồn ào tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi, bổ sung pháp luật về dấu giá tài sản để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh như cần có quy định cấm tha gia đấu giá đối với một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật đấu giá, quy định rõ ràng, chi tiết hơn điều kiện, yêu cầu tham gia đấu giá, cần chế tài đủ mạnh đối với người trúng đấu giá trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá….
Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trên như quy định cấm tham gia đấu giá cần được quy định bởi Luật, các điều kiện, yêu cầu tham gia đấu giá và chế tài đối với người trúng đấu giá trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá được quy định bởi pháp luật chuyên ngành điều chỉnh đối với loại tài sản đó mà dự thảo Nghị định không thể điều chỉnh được. Do đó, dự thảo chỉ quy định 2 nội dung về hình thức đấu giá trực tuyến và thành lập Trang đấu giá trực tuyến thống nhất như nêu trên.