June 05, 2009 | 10:01 GMT+7

Sữa và chuyện kiểm soát giá

Lê Hường

Thị trường sữa Việt Nam vẫn nóng bỏng với chuyện giá sữa ngoại ở mức quá cao

Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, so với các nước Âu - Mỹ, giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đắt gấp 2-3 lần.
Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, so với các nước Âu - Mỹ, giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đắt gấp 2-3 lần.
Thị trường sữa Việt Nam vẫn nóng bỏng với chuyện giá sữa ngoại ở mức quá cao. Người tiêu dùng quá sính hàng ngoại hay cơ quan quản lý chưa đủ công cụ để thẩm định giá nhập khẩu?

Một số thông tin trên báo chí gần đây phản ánh, giá sữa Việt Nam cao nhất thế giới, và đây là nghịch lý của thị trường này khi đầu vào nguyên liệu sữa nhập khẩu ở mức thấp và thuế nhập khẩu đã giảm.

Giá sữa ở Việt Nam cao gấp đôi ở Malaysia

So với năm 2007, giá sữa nguyên liệu giảm 60% nhưng giá sữa thành phẩm tại Việt Nam lại tăng. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, so với các nước Âu - Mỹ, giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đắt gấp 2-3 lần. Riêng ở khu vực ASEAN thì giá sữa Việt Nam cao gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần so với Thái Lan.

Ông Vũ Công Chính, Cục phó Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, chỉ có giá sữa ngoại nhập khẩu nguyên hộp là đang ở mức quá cao, còn lại, giá sữa nhập nguyên liệu về đóng gói trong nước và sữa sản xuất trong nước không có vấn đề gì.

“Giá sữa nhập nguyên liệu về đóng gói trong nước chỉ bằng 1/2 giá sữa nhập nguyên hộp. Đây là một nghịch lý khi giá nguyên liệu sữa trên thế giới giảm mạnh trong thời gian qua”, ông Chính nêu quan điểm.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp sữa trong nước chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu bán hàng của thị trường sữa Việt Nam, nhưng sản lượng sữa tiêu thụ của sữa nội không ở mức thấp như vậy, do giá thành sữa “Made in Vietnam” thấp hơn sữa ngoại rất nhiều.

Một nguyên nhân khiến giá sữa nhập ngoại nguyên hộp cao là do thị hiếu “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng Việt Nam. Riêng với sữa nhập khẩu nguyên hộp, giá nhập khẩu đầu vào đã chiếm đến hơn 90% giá vốn hàng bán.

Vì nhu cầu người tiêu dùng trong nước đối với sữa nguyên hộp nhập ngoại vẫn cao nên giá sữa loại này bán ra trên thị trường trong nước không thể thấp được.

“Nếu tuyên truyền mạnh mẽ hơn, để người tiêu dùng có kiến thức và hiểu rõ rằng, tất cả sữa bột của chúng ta hiện nay, về nguyên liệu đều được nhập khẩu. Do đó, chất lượng không thua kém các sản phẩm sữa nhập thành phẩm. Giá sữa ngoại bị đẩy lên một phần do tâm lý và thói quen của người tiêu dùng”, ông Chính nói.

Cơ quan quản lý vào cuộc

Về phía công cụ quản lý, theo Nghị định 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008, sữa là mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá và để cơ quan chức năng ra tay xử lý vi phạm, giá sữa trên thị trường phải đảm bảo điều kiện vô cùng khó khăn là: biến động bất thường đối với sản phẩm sữa là giá sữa phải biến động liên tục trong vòng 15 ngày và tăng 20% so với trước đó.

Thực tế đây là điều kiện hầu như không thể xảy ra, bởi lẽ, chưa bao giờ có tình trạng này và chuyện lách quy định này đối với doanh nghiệp là quá đơn giản.

Thời gian qua, giá sữa chưa hề có những biến động bất thường như quy định, tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và Cục Quản lý hàng hóa tiến hành thanh tra, kiểm tra giá sữa. Cơ quan này cũng cho biết, kết quả thanh tra sẽ được công bố chính thức trong tháng 6 này.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh và thành phố chỉ đạo sở công thương, sở tài chính, Chi cục Quản lý thị trường và các ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra giá sữa trên thị trường.

Ngoài ra, Nghị định 169/2004/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cũng đang được Bộ Tài chính đề xuất phương án sửa đổi.

Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó trưởng ban Chính sách giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính), tinh thần của người soạn thảo là sẽ sửa đổi theo hướng: “Tất cả các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo quy định pháp luật”.

Thêm vào đó, sẽ có một số bổ sung một số hành vi vi phạm, mức phạt sẽ được nâng cao khoảng 40% - 50%. Dự thảo sửa đổi này dự định sẽ được trình Chính phủ vào tháng 12/2009.

Về việc kiểm soát giá sữa nhập khẩu, hiện nay, cơ quan hải quan là đơn vị có thể biết được doanh nghiệp nhập khẩu giá sữa với giá nhập khẩu là bao nhiêu căn cứ trên chứng từ nhập khẩu hàng hóa.

Đây cũng là “nguyên liệu đầu vào” để Bộ Tài chính tính toán và thanh tra về cơ cấu hình thành giá bán của doanh nghiệp phân phối.

Thế nhưng, một vấn đề đặt ra là, trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu trong nước cấu kết với doanh nghiệp nước ngoài nâng giá nhập khẩu sữa “trên chứng từ” cao hẳn so với giá nhập khẩu thực tế thì ai là người kiểm soát?

Trả lời vấn đề này, ông Vũ Công Chính cho biết, hiện chưa có công cụ để kiểm soát việc gian lận này của các doanh nghiệp nhập khẩu sữa ngoại nguyên hộp.

Như vậy, song song với việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng hàng nội, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người tiêu dùng khi các công cụ thanh kiểm tra giá của các công ty phân phối sữa ngoại vẫn còn thiếu.

Do đó, có thể nghĩ đến việc thanh kiểm tra chi tiết và sâu sát hơn trên chứng từ thanh toán cũng như hậu kiểm quá trình thanh toán của doanh nghiệp nhập khẩu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate