Theo The Guardian, đang có một nghịch lý là việc đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu sẽ phụ thuộc một phần vào chất bán dẫn - một phần không thể thiếu của xe điện, năng lượng mặt trời và tua bin gió.
Tuy nhiên, sản xuất chip cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu do quy trình sản xuất chất bán dẫn tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Các nhà máy chế tạo của TSMC hoạt động 24/7, tiêu thụ một lượng điện khổng lồ để cung cấp năng lượng cho máy móc tiên tiến và duy trì môi trường cần thiết cho sản xuất chip.
Một phần đáng kể năng lượng này có nguồn gốc từ than, khí đốt tự nhiên và dầu. Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch này đã phát thải lượng khí carbon đáng kể, góp phần gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.
THẢI RA NHIỀU CARBON HƠN MỌI NHÀ SẢN SUẤT CHIP
Báo cáo phát triển bền vững năm 2022 của TSMC cho thấy mức tiêu thụ năng lượng của tập đoàn đã đạt hơn 20 tỷ kilowatt/giờ, với lượng khí thải carbon lên tới hàng triệu tấn CO2 tương đương.
Nhà nghiên cứu Yung-Jen Chen từ tổ chức Greenpeace tại Đài Loan (Trung Quốc) nói với CNBC rằng TSMC thải ra nhiều carbon hơn bất kỳ nhà sản xuất chip nào khác. Do mức tiêu thụ điện năng khá lớn, TSMC đã thải ra 6 triệu tấn carbon vào năm 2017, 8 triệu tấn vào năm 2019 và 15 triệu tấn vào năm 2020.
Trong vài năm trở lại đây, lượng khí thải nhà kính của TSMC đã vượt qua lượng khí thải của gã khổng lồ ô tô General Motors, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Lượng khí thải của TSMC "vẫn đang tăng nhanh do liên tục mở rộng sản xuất", Nhà nghiên cứu Yung-Jen Chen cho biết, do TSMC đang trong quá trình thành lập các nhà máy mới quy mô lớn tại Đài Loan (Trung Quốc) và bang Arizona (Mỹ).
Quá trình sản xuất chất bán dẫn liên quan đến việc sử dụng nhiều loại hóa chất nguy hại, bao gồm dung môi, axit và kim loại nặng. Những chất này là một phần không thể thiếu trong quá trình khắc, pha tạp và làm sạch tấm bán dẫn, nhưng cũng gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho môi trường nếu không được quản lý đúng cách.
Sản xuất chất bán dẫn cũng góp phần gây ô nhiễm không khí, chủ yếu thông qua việc phát thải các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và các chất ô nhiễm khác. Những khí thải này có thể xảy ra trong nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất, bao gồm việc sử dụng hóa chất và vận hành thiết bị nhiệt độ cao.
Các sản phẩm của TSMC đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, cung cấp năng lượng cho hàng triệu thiết bị cuối cùng góp phần gây ra vấn đề ngày càng gia tăng về chất thải điện tử (e-waste).
Tốc độ tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thường dẫn đến sự lỗi thời của các thiết bị điện tử trong vòng vài năm, dẫn đến sự tích tụ lớn chất thải điện tử. Hơn nữa, các vật liệu được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn, chẳng hạn như đất hiếm, thường có nguồn gốc từ các hoạt động khai thác có thể gây ra tác động tàn phá đến môi trường.
TIÊU TỐN NGUỒN NƯỚC SIÊU TINH KHIẾT KHỔNG LỒ
Nước đóng vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn sản xuất chất bán dẫn. Sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi lượng nước siêu tinh khiết (UPW) rất lớn, đặc biệt là để xử lý và làm sạch wafer (tấm bán dẫn silicon).
Nước siêu tinh khiết sạch hơn nước uống hàng nghìn lần và được xử lý thông qua các quy trình như khử ion và thẩm thấu ngược để loại bỏ các chất ô nhiễm, khoáng chất và các tạp chất khác có thể làm hỏng chip. Cần khoảng 1.400 đến 1.600 gallon nước bình thường để tạo ra 1.000 gallon nước siêu tinh khiết.
Các nhà máy của TSMC, chủ yếu đặt tại Đài Loan (Trung Quốc), có nhu cầu sử dụng nước rất lớn, tiêu thụ hàng tỷ gallon nước mỗi năm. Một cơ sở sản xuất chip trung bình hiện nay có thể sử dụng 10 triệu gallon nước siêu tinh khiết mỗi ngày- lượng nước mà 33.000 hộ gia đình ở Mỹ sử dụng mỗi ngày, theo World Economic Forum.
Lượng nước để làm mát và tạo ra điện của các nhà máy bán dẫn tương đương với mức sử dụng của khu vực Hồng Kông (Trung Quốc), theo báo cáo của S&P Global.
Ngoài việc sử dụng rất nhiều nước, sản xuất chip còn tạo ra nước thải có chứa chất gây ô nhiễm, bao gồm cả kim loại nặng có thể gây độc cho hệ sinh thái dưới nước và con người.
Mức sử dụng nước lớn này gây ra những rủi ro đáng kể, đặc biệt là ở những khu vực mà nguồn tài nguyên nước cạn kiệt. Trong khi đó, hòn đảo Đài Loan là nơi đặt các nhà máy lớn nhất của TSMC lại đặc biệt dễ bị thiếu nước do có lượng mưa thay đổi theo mùa và tình trạng hạn hán ngày càng phổ biến do biến đổi khí hậu.
Do đó, hoạt động của TSMC gây thêm áp lực lên nguồn cung cấp nước tại địa phương, có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước, ảnh hưởng đến cả cộng đồng và hệ sinh thái địa phương.
CAM KẾT ESG CỦA TSMC
"Để giảm lượng khí thải carbon, việc chuyển đổi nguồn điện sang năng lượng sạch là chìa khóa", nhà nghiên cứu Chen cho biết, đồng thời nói thêm rằng các nhà sản xuất chip đang "háo hức" thực hiện điều này càng sớm càng tốt. "Lượng khí thải sẽ tăng theo quy mô và số lượng nhà máy, vì vậy, nhà cung cấp bán dẫn càng lớn thì lượng khí thải carbon của họ càng lớn".
Một trong những nền tảng của chiến lược phát triển bền vững của TSMC là cam kết chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tập đoàn đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng là tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, với mục tiêu cung cấp 100% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2050, đạt 40% mức sử dụng năng lượng tái tạo trên toàn tập đoàn vào năm 2030 thông qua sáng kiến RE100. Tập đoàn đã triển khai 822 biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã tiết kiệm được 830 GWh điện.
Điều này không dễ dàng khi xét đến cơ cấu năng lượng của hòn đảo. Theo dữ liệu từ báo cáo Đánh giá thống kê năng lượng thế giới của tập đoàn dầu mỏ British Petroleum năm 2019, 91,5% năng lượng chính của Đài Loan được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch.
Theo Greenpeace, TSMC hiện sử dụng 4,8% tổng sản lượng điện của Đài Loan và con số này tăng lên 7,2% vào năm 2022. Tập đoàn này đã có kế hoạch mua thêm năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon đồng thời cũng đang tìm cách cải thiện hiệu quả của thiết bị trong các nhà máy, triển khai nhiều dự án tiết kiệm năng lượng hơn, theo Nina Kao, phó phát ngôn viên của TSMC, nói với CNBC.
Tháng 7/2020, TSMC đã ký một thỏa thuận kéo dài 20 năm với Orsted để mua toàn bộ sản lượng của hai trang trại gió ngoài khơi. Ngoài ra, TSMC đã đầu tư đáng kể vào các dự án năng lượng mặt trời và gió để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
TSMC cũng tập trung vào quản lý nước, thay thế 12% nguồn nước tại các nhà máy ở khu vực Đài Loan bằng nước tái chế. Trong quản lý chất thải, TSMC đã đạt được tỷ lệ tái chế 96% trên toàn thế giới và giảm thành công 99% lượng khí thải hữu cơ dễ bay hơi.
TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI VÀ ĐÓNG GÓP KINH TẾ
Cam kết thực hiện các trách nhiệm xã hội của mình, tập đoàn TSMC đã đầu tư 239,8 tỷ NTD vào tổng tiền lương và phúc lợi cho nhân viên trên toàn cầu.
Ngoài ra, TSMC đã đào tạo cho hơn 2,5 triệu người và tạo ra 6.133 việc làm chất lượng cao mới trên toàn thế giới.
Thông qua các chương trình trách nhiệm xã hội, TSMC đã mang lại lợi ích cho hơn 1 triệu cá nhân, đầu tư 1,454 tỷ NTD vào các sáng kiến này.
Về mặt kinh tế, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của TSMC lên tới 5.846 triệu USD, chiếm 8,5% doanh thu, đạt tỷ lệ 100% phê duyệt bằng sáng chế % tại Mỹ, vượt qua các công ty nắm giữ bằng sáng chế hàng đầu khác.
TSMC đã chế tạo 11.895 sản phẩm cho 528 khách hàng, duy trì tỷ lệ tin tưởng và hài lòng của khách hàng cao là 94%, tạo ra 1,86 nghìn tỷ NTD về giá trị đầu ra và tạo ra 272.000 việc làm tại Đài Loan.