Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, trong đó có khâu vận tải và giao nhận.
Tại nhiều cảng biển, hàng hóa phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến chậm trễ trong việc giao hàng và từ đó là rủi ro cho khâu thanh toán, nhất là với những hợp đồng xuất khẩu chấp nhận hình thức thanh toán T/T (chuyển tiền sau khi giao hàng).
Do đó, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong khâu thanh toán khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới.
Các phương thức thanh toán an toàn như Thư tín dụng không hủy ngang (Irrevocable Letter of Credit) nên được xem xét áp dụng để thay cho các phương thức kém an toàn hơn.
Bên cạnh đó, uy tín cũng như khả năng thanh toán quốc tế của các ngân hàng thanh toán cũng cần được xem xét và cân nhắc một cách thấu đáo trước khi giao kết hợp đồng.
Bộ Công Thương đề nghị các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu thông báo rộng rãi nội dung khuyến nghị này tới các doanh nghiệp hội viên để có kế hoạch ứng phó tránh gặp rủi ro.
Trước đó, các cảnh báo cho rằng, chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt với rủi ro tắc nghẽn đến cuối năm 2022 vì các đợt bùng phát dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn ra ở khắp chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu tăng mạnh.
Thương mại phải chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận tải tăng cao, tình trạng thiếu hụt container rỗng sẽ kéo dài đến năm 2023.
Trong khi đó, năng lực xếp dỡ tại cảng vẫn thấp khiến thời gian tàu phải chờ lên, xuống ở bến cảng lâu hơn. Điều này đồng nghĩa với việc hàng tới tay khách hàng, đối tác sẽ chậm hơn dự kiến, thậm chí nếu thời gian trì hoãn kéo dài, những sản phẩm tươi, thực phẩm có thể bị hỏng, chất lượng giảm.