May 02, 2013 | 10:53 GMT+7

Tái cơ cấu kinh tế đang “vướng” ở đâu?

Nguyên Thảo

Điểm mặt những lực cản của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang được đánh giá là quá chậm

Trong một năm qua, hàng loạt các vấn đề trước mắt vẫn hết sức gay gắt 
như tồn kho, nợ xấu ngân hàng, sức cầu xã hội suy giảm…, vì vậy trong 
khi chú ý các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ vẫn phải tập 
trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn.
Trong một năm qua, hàng loạt các vấn đề trước mắt vẫn hết sức gay gắt như tồn kho, nợ xấu ngân hàng, sức cầu xã hội suy giảm…, vì vậy trong khi chú ý các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ vẫn phải tập trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn.
Lãnh đạo bộ chức năng nói tái cơ cấu nền kinh tế đang được triển khai quyết liệt, đại biểu Quốc hội phản ánh rằng cử tri băn khoăn “hay chỉ đánh võ mồm”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế cuối tuần qua, sau khi nghe nhiều ý kiến bày tỏ sự sốt ruột về tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế đã nhận lỗi, vì “chưa họp báo về đề án đó, nên báo chí ít viết về tái cơ cấu mà viết về vàng nhiều hơn”.

Ông Sinh cũng nhấn mạnh rằng đề án này không phải “đang nằm ở các chuyên gia” như phản ánh của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng, mà ngày 19/2 vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt đề án và đang được triển khai rất quyết liệt.

Ở bản báo cáo về việc triển khai tái cơ cấu kinh tế trong một năm qua được gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ngày 26/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi vào nội dung chính đã có vài lưu ý.

Đó là, trong một năm qua, hàng loạt các vấn đề trước mắt vẫn hết sức gay gắt như tồn kho, nợ xấu ngân hàng, sức cầu xã hội suy giảm…, vì vậy trong khi chú ý các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ vẫn phải tập trung giải quyết các vấn đề ngắn hạn.

Nhưng “điều không kém phần quan trọng” là một năm qua thông qua thảo luận, tham vấn trong quá trình soạn thảo đã đạt được thống nhất về bản chất và nội dung của tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Từ đó, về cơ bản đạt được sự nhất trí về mục tiêu, nội dung và những định hướng cơ bản của công việc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Bản báo cáo cũng cho biết, trong thời gian đó, Chính phủ chủ yếu nỗ lực soạn thảo các văn bản có liên quan, tạo khung khổ pháp lý để triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm đã nói là ông rất hoang mang khi nghe nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, người từng tham mưu trực tiếp nhất cho Thủ tướng nhận xét “chất lượng văn bản không cao, nhiều nội dung thiếu tường minh, triển khai còn chậm, và chưa có những chuyển biến cụ thể trên từng nội dung của tái cơ cấu” tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân mới diễn ra đầu tháng Tư vừa qua.

Dự họp Ủy ban Kinh tế trong phiên toàn thể nói trên, nhắc lại quan ngại tại các ý kiến ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, ông Kiêm đề nghị phải chỉnh sửa nhiều vấn đề khác nhau và đang gây nên ách tắc cho công việc tái cơ cấu. “Chính phủ cần có thái độ dứt khoát, chứ nếu biết đang lổn nhổn mà vẫn làm thì hậu quả, rủi ro rất phức tạp, thà chậm một tý mà thông thoáng còn hơn”, ông Kiêm phát biểu.

Trong khi đó, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Lê Nam, lại tỏ ra hết sức sốt ruột khi nghe cử tri cho rằng nội dung tái cơ cấu thì nghị quyết nói nhiều rồi, mà chả thấy làm gì cả.

“Cử tri băn khoăn, hay chỉ đánh võ mồm, còn thực tế vẫn những con tàu Vinashin hàng nghìn tỷ lang thang trên biển như vậy. Các bác xuống dân mà xem dân nói thế nào, xin chọn việc cụ thể để làm đi, như doanh nghiệp nhà nước thì “làm” ông nào và lúc nào, thì “làm” đi và công khai cho dân biết”, ông Nam than thở.

Trùng quan điểm với một số ý kiến khác, ông Nam cho rằng, “Quốc hội lần này nên có nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ chậm trễ chưa hoàn thành nhiệm vụ thì Quốc hội phải có nghị quyết”.

Kiên trì quan điểm nếu giao cho các bộ thực hiện đề án thành phần thì sẽ kém hiệu quả, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đề nghị, “Ban Kinh tế Trung ương phải ra tay”. Và, “bên cạnh Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phải có Ban Chỉ đạo của Bộ Chính trị về tái cơ cấu nền kinh tế”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thêm, khi mà xuống địa phương đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, thì một số tỉnh nói không biết. Phải chăng đề án mới đang nằm ở các chuyên gia, nhà khoa học, ông Hùng băn khoăn.

“Nhìn trần trụi” từ động lực tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu một ví dụ cụ thể để minh chứng vướng mắc mà theo ông là rất lớn.

Đó là vào tháng 6/2012, rất công phu và rất cầu kỳ, đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được công bố, từ 28 ngành hàng tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi, trong đó có chế biến khí và phân phối khí.

Yêu cầu đặt ra là phải thay đổi lại toàn bộ cơ chế vận hành của khí hiện nay. “Hiện tại một công ty chỉ phân phối khí lãi trước thuế 13 nghìn tỷ đồng. Bản chất của 13 nghìn tỷ này rõ ràng là 9,8 tỷ mét khối khí đang bị bán rẻ cho một đơn vị cổ phần”, ông Tuấn phân tích.

“Do vậy trước mắt phải “tái” cái này, thế nhưng Chính phủ yêu cầu đến tháng 9/2012, họ phải ra đề án, họ xin lùi lại đến tháng 9/2013. Nhưng chúng tôi tin chắc là với động lực này, thì phải đến tháng 9 của khi nào hết khí”,  Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh trong tiếng cười không nén được của nhiều người.

Trở lại với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa nhận quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng được mong đợi và kỳ vọng của dư luận xã hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hay xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đều là những vấn đề phức tạp, phải được thảo luận và chấp thuận ở nhiều cấp, nhiều cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, việc giải quyết các vấn đề phức tạp phải tiến hành thận trọng và từng bước trong một không gian chính sách rất hạn hẹp. “Không giống như xử lý nợ xấu ở các nước khác, chúng ta không được tăng chi tiêu ngân sách, không được lấy chi tiêu ngân sách để xử lý nợ xấu”, báo cáo nêu rõ.

Cũng liên quan đến tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, trong một báo cáo riêng gửi đến Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình này. Đó là, vì quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate