April 22, 2015 | 09:02 GMT+7

Tái cơ cấu kinh tế đúng hướng hay chưa?

Nguyễn Lê

Tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề đã và đang tranh luận tại các diễn đàn kinh tế liên tục từ 3 năm nay

Thảo luận bên lề Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015.<br>
Thảo luận bên lề Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015.<br>
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định tái cơ cấu nền kinh tế đúng hướng và đáng tin, còn chuyên gia Lê Đăng Doanh quả quyết việc làm này chưa đúng hướng.

Tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề đã được đặt và tranh luận tại các diễn đàn kinh tế  do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức, liên tục từ 3 năm nay.

Trong đề dẫn phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 21/4 tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 đang diễn ra tại Nghệ An, ông Thiên nhìn nhận dường như 2014 quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mới được khởi động. Nhưng là khởi động mạnh, đúng hướng và đáng tin.

Biểu hiện ở chỗ đã có định hướng thị trường và theo nguyên tắc thị trường, nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hệ thống giá thị trường, tấn công  vào hệ thống giá cũ, trao quyền tự do và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ đã điều chỉnh (thay đổi) chức năng theo thị trường để phục vụ thị trường, thể hiện ở nguyên tắc phê duyệt đầu tư công, cải cách hành chính, áp dụng chế độ trách nhiệm cá nhân.

Đây là những yếu tố căn bản, quyết định để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu để đạt mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, ông Thiên khẳng định.

Xu hướng phục hồi kinh tế và đà cải cách đúng hướng sẽ tiếp tục được duy trì, ông Thiên dự báo tình hình 2015.

Không được lạc quan như TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét rằng tình hình kinh tế - xã hội đang diễn biến khá căng thẳng. Ngày càng nhiều các sự kiện không thể kiểm soát.

Hàng loạt ví dụ được ông Doanh dẫn chứng, như vụ việc ở Bình Thuận với nhà máy điện Bình Tân, ở Khánh Hòa dân đổ cá ra đường tắc quốc lộ, rồi vụ thay cây xanh ở Hà Nội, lấn sông ở Đồng Nai...

"Nếu chúng ta không thực sự quan tâm cải cách căn cơ, thì tình hình sẽ phức tạp hơn, khó khăn hơn", ông Doanh lo lắng.

Trái quan điểm của Viện trưởng Thiên, ông Doanh quả quyết tái cơ cấu nền kinh tế chưa đúng hướng, chưa đặt trong bối cảnh hội nhập.

"Tái cơ cấu nội dung quá hẹp, chưa định hướng vào sáng tạo vào khoa học công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta chưa nói rõ động lực của tái cơ cấu là khoa học công nghệ chứ không phải là đút lót, cần phải bổ sung tái cơ cấu là thúc đẩy sáng tạo, trọng dụng nhân tài", ông Doanh nhấn mạnh.

Những vấn đề kinh tế hiện nay rất nhiều chuyện nhưng nếu cứ loay hoay ở đổi mới kinh tế thì không giải quyết được vì nút thắt lại ở ngoài kinh tế, chuyên gia Võ Đại Lược tham góp.

Bên cạnh các ý kiến nêu trên, phiên thảo luận sáng 21/4 còn ghi nhận nhiều băn khoăn khác liên quan đến những vấn đề cụ thể hơn của tình hình kinh tế - xã hội.

"Năm 2014, vấn đề tham nhũng bị xem nhẹ và mảng màu thể hiện quyết tâm chống tham nhũng vẫn chưa rõ ràng trong bức tranh chung của nền kinh tế 2015. Như vậy thì lòng dân chưa yên. Cần tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm phải theo dõi, giám sát", nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão bình luận.

Theo ông Mão, nhiệm vụ này thậm chí phải luật hoá trong quy định về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước để đạt mục tiêu hoàn thành cổ phần 432 doanh nghiệp trong năm 2015. Phải có bàn tay của Quốc hội với quy chế cụ thể xác định doanh nghiệp có quy mô, số kinh phí, mức sử dụng tài chính đến đâu thì cần phải xin ý kiến Quốc hội về phương án cổ phần hoá.

Dự án đầu tư đến 10.000 tỷ đồng đã được xếp là công trình trọng điểm quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương. Vậy mà có những doanh nghiệp giá trị còn lớn hơn nhiều mà lại có thể bán – mua rộng cửa. Cần định mức giá trị doanh nghiệp từ 1,5 tỷ USD trở lên phải xin ý kiến Quốc hội, nếu không thất thoát, tiêu cực rất lớn ngay trong quá trình cổ phần hoá, nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị

Một số vị khác cũng đồng tình với quan điểm của ông Mão là cần có luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate