Các hoạt động mua, bán, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng diễn ra mạnh mẽ, an toàn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đánh giá.
Cũng như ở phần nợ xấu, nội dung về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng tại báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn của Ngân hàng Nhà nước gần như không có hạn chế nào được nhắc đến.
Sự "mạnh mẽ, an toàn trong mua bán, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng" được Thống đốc nhìn nhận là không chỉ diễn ra giữa tổ chức tín dụng yếu kém với tổ chức tín dụng bình thường, mà còn diễn ra giữa các tổ chức tín dụng bình thường với nhau, hoặc giữa tổ chức tín dụng trong nước với tổ chức tín dụng nước ngoài, trên nguyên tắc tự nguyện và đúng pháp luật.
Sau hơn 3 năm triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đến nay, hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm 14 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, báo cáo nêu thông tin định lượng.
Thông tin tiếp theo được Thống đốc gửi đến các vị đại diện cho dân là năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về nguyên tắc một số trường hợp mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng để vừa xử lý tổ chức tín dụng yếu kém vừa nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh một số ngân hàng thương mại.
Dự kiến năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước, phấn đấu đến cuối 2015 hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
Liên quan đến sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng - vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm - Thống đốc cho biết đã xử lý từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ.
Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau (giảm 3 cặp so với năm 2012), sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống.
Vẫn theo báo cáo thì vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức đến cuối tháng 12/2014 là 435,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29% so với tháng 12/2013.
Còn tổng tài sản đến cuối tháng 12/2014 là 6.514,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng 12/2013.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, hệ thống ngân hàng vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế cho thấy sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua”, Thống đốc đánh giá.
Nhìn lại cả ba năm qua, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng kết quả cơ cấu lại ngân hàng đã góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam lọt vào danh sách 1.000 ngân hàng thế giới năm 2014, do tờ tạp chí The Banker công bố.
Ngoài ra, trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong top 10.
Cho dù, bình luận về các thông tin được trình bày tại báo cáo, một vị chuyên gia cho rằng thực tế tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng không hẳn toàn “màu hồng”.
Theo vị chuyên gia này, những thông tin từ Thống đốc cho thấy hệ thống các tổ chức tín dụng có thể đã "sạch" hơn, "gọn" hơn ở bề mặt, nhưng "lõi" vẫn chưa thể có thay đổi gì đáng kể bởi "thể chế hệ thống tài chính - ngân hàng" cơ bản vẫn thế. Vẫn nhóm ngân hàng thương mại nhà nước thống trị hệ thống, số còn lại, đông nhưng yếu thế, do không được cạnh tranh bình đẳng, họ phải tìm đến những cách "phi thị trường" để có thể tồn tại và phát triển.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate