August 22, 2023 | 11:45 GMT+7

Y học cổ truyền phát huy thế mạnh trước xu hướng hiện đại hóa

Hoài Phương -

Không chỉ châu Á, nhiều nước Âu, Mỹ đã bắt đầu xu hướng “trở về với tự nhiên” qua việc sử dụng ngày càng nhiều các loại thuốc có nguồn gốc cây cỏ hay các phương pháp điều trị của y học cổ truyền để dự phòng, chữa trị và nâng cao sức khỏe…

Ảnh: WHO
Ảnh: WHO

Sự phối hợp Đông - Tây y, y học cổ truyền - y học hiện đại được xem là xu thế phát triển tự nhiên và tất yếu của nền y học. Điều này không chỉ thể hiện rõ ở các quốc gia châu Á – vốn được biết đến là "cái nôi" với sự phát triển mạnh mẽ của y học cổ truyền - mà ở cả nhiều nước khác trên thế giới. Ưu điểm nổi bật của y học cổ truyền là các thầy thuốc, bác sĩ thường nhìn một cách toàn diện, tổng thể về tình trạng thể chất, tinh thần… người bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều chỉnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để chữa bệnh từ căn nguyên. Điều này cũng rất phù hợp việc điều trị các bệnh lý mạn tính.

HỘI NGHỊ TOÀN CẦU ĐẦU TIÊN VỀ Y HỌC CỔ TRUYỀN

Mới đây, Hội nghị y học cổ truyền toàn cầu lần thứ nhất đã được đồng tổ chức bởi WHO và chính phủ Ấn độ, diễn ra bên lề hội nghị Bộ trưởng G20, từ ngày 17 - 18/8/2023. Với chủ đề "One Earth, One Family, One Future" (Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai), các chuyên gia trên toàn thế giới về y học cổ truyền sẽ cố vấn, thảo luận cùng WHO xây dựng chính sách phát triển, chiến lược hành động 2025 - 2034 về y học cổ truyền. Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử đối với ngành y học cổ truyền thế giới, thể hiện cam kết toàn cầu của WHO về gìn giữ và phát huy giá trị của y học bản địa, thúc đẩy phát triển y học cổ truyền, y học bổ sung và y học tích hợp (TCI medicine) trong chăm sóc sức khoẻ người dân.

Tham dự Hội nghị, Việt Nam có 5 đại biểu: đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương - PGS.TS. Vũ Nam, TS. Kiều Đình Khoan; đại diện Công ty CP Sao Thái Dương - bà Nguyễn Thị Hương Liên, ThS.DS Nguyễn Thị Hồng Vân; đại diện Tập đoàn TH - ông Trịnh Hiền Trung. Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, đã nhấn mạnh những điểm quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong y học cổ truyền, một số đề xuất, giải pháp chiến lược, hành động cần thiết trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bà còn chia sẻ một số điểm tích cực trong chính sách khuyến khích phát triển y học cổ truyền tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Sao Thái Dương phát biểu tại phiên thảo luận.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Sao Thái Dương phát biểu tại phiên thảo luận.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhu cầu về y học cổ truyền ngày càng tăng ở các quốc gia, cộng đồng và nền văn hóa. Y học cổ truyền là sự bổ sung đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm, các vấn đề sức khỏe tâm thần và đem đến sự "lão hóa khỏe mạnh". 

"Y học cổ truyền có thể đóng vai trò xúc tác và quan trọng để đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân. Đưa y học cổ truyền trở thành xu hướng chăm sóc sức khỏe - một cách phù hợp, hiệu quả và trên hết là an toàn dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất - có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận cho hàng triệu người trên thế giới", ông Tedros nhấn mạnh. 

Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu đối với sức khỏe người dân và cộng đồng. Khoảng 40% thuốc ngày nay được sản xuất từ các sản phẩm tự nhiên và các loại thuốc mang tính biểu tượng có nguồn gốc từ y học cổ truyền, bao gồm aspirin, artemisinin và các phương pháp điều trị ung thư ở trẻ em. Các nghiên cứu mới, bao gồm cả nghiên cứu về bộ gen và trí tuệ nhân tạo đang được đưa vào lĩnh vực này, đồng thời có những ngành công nghiệp đang phát triển về thuốc thảo dược, sản phẩm tự nhiên, sức khỏe, thể chất và du lịch liên quan.

WHO và Chính phủ Ấn Độ vừa ký thỏa thuận thành lập Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO, nhằm khai thác tiềm năng y học cổ truyền từ khắp nơi trên thế giới thông qua khoa học và công nghệ hiện đại.
WHO và Chính phủ Ấn Độ vừa ký thỏa thuận thành lập Trung tâm Y học cổ truyền toàn cầu của WHO, nhằm khai thác tiềm năng y học cổ truyền từ khắp nơi trên thế giới thông qua khoa học và công nghệ hiện đại.

ĐƯỜNG LỐI VÀ MỤC TIÊU CỦA VIỆT NAM

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 trong đó phải đạt được mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố thành lập bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền; 95% bệnh viện hiện đại phải thành lập khoa Y – Dược cổ truyền và 100% các trạm y tế xã đều sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh y dược cổ truyền.

Hiện Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh. Theo dự thảo, các phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Trong khám bệnh (Sử dụng Tứ chẩn, bao gồm: vọng, văn, vấn, thiết); Trong chữa bệnh (Sử dụng các phương pháp dùng thuốc bao gồm: Ngâm thuốc, đặt thuốc, xông hơi thuốc, khí dụng, bó thuốc, chườm thuốc, thuốc cổ truyền dùng ngoài da, thuốc dùng đường uống, thuốc dùng đường tiêm và các đường dùng phù hợp khác); Sử dụng các phương pháp không dùng thuốc (Xoa bóp, bấm huyệt, dưỡng sinh, khí công, các phương pháp châm, cứu, giác hút, cấy chỉ, chích lể, cạo gió và các phương pháp khác theo quy định danh mục chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền của Bộ trưởng Bộ Y tế)...

Theo báo cáo của Hội Đông Y Việt Nam, kể từ khi thành lập đến năm 2023, cả nước có gần 70.000 hội viên, trong đó có khoảng 10.000 lương y. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 20% lương y của Hội Đông y Việt Nam được cấp giấy phép hành nghề. Gần 20 năm qua, gần như chưa có thêm hội viên hội Đông y Việt Nam nào được chứng nhận là lương y. Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định, lương y là chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và là hội viên của Hội Đông y Việt Nam. 

Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu đối với sức khỏe người dân và cộng đồng.
Trong nhiều thế kỷ, y học cổ truyền và y học bổ sung đã là một nguồn lực không thể thiếu đối với sức khỏe người dân và cộng đồng.

Chính vì vậy, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn cho đối tượng lương y là một yêu cầu hết sức cấp thiết đối với những người hành nghề Đông y. Hơn nữa, việc giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đối với các lương y cũng góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân trong công tác khám bệnh, chữa bệnh. Để giải quyết khó khăn trong xin cấp phép hành nghề cũng như bảo đảm những người được cấp "Giấy chứng nhận Lương y" là những người có kiến thức chuyên môn, kỹ năng khám chữa bệnh bằng đông y thực thụ, Hội Đông y Việt Nam đã chủ động xây dựng Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y.

Đồng thời Hội Đông y Việt Nam đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên. Hội Đông Y Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao Hội Đông y Việt Nam chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y theo phương pháp truyền nghề cho Hội viên, trước khi trình cấp có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận lương y”.

Trước thực tế này khó khăn của đội ngũ lương y hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có văn bản yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo xử lý vấn đề được báo chí nêu trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate