August 22, 2021 | 06:25 GMT+7

Tạm dừng shipper tại thành phố Thủ Đức và 7 quận, huyện từ 0h ngày 23/8

Hồng Vinh -

Từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9, TP.HCM sẽ tạm ngưng lực lượng giao hàng bằng công nghệ (shipper) tại 7 quận huyện và thành phố Thủ Đức để phòng chống dịch Covid-19…

Tạm dừng shipper tại thành phố Thủ Đức và 7 quận, huyện từ 0h ngày 23/8
Tạm dừng shipper tại thành phố Thủ Đức và 7 quận, huyện từ 0h ngày 23/8

Từ 0 giờ ngày 23/8 đến ngày 6/9/2021, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố, của Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23/8/2021.

Đó là một trong những nội dung quan trọng vừa được UBND TP.HCM chỉ đạo tại Công văn khẩn số 2796/UBND-VX ngày 21/8/2021 do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

 
Shipper tạm dừng hoạt động tại thành phố Thủ Đức và 7 quận huyện, gồm: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn để phòng chống dịch Covid-19.

Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8/2021 của UBND TP.HCM, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.

Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại thành phố Thủ Đức và 7 quận/huyện, gồm: quận 8, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn.

Tại các quận khác, shipper được hoạt động nội quận, không được chạy khác quận, huyện và có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định tại Công văn số 2491/UBND-KT ngày 26/7/2021 của UBND TP.HCM.

 
Dấu hiệu nhận diện đối tượng ra đường gồm: Giấy đi đường và đồng phục ngành. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác thì mặc áo nhận diện do thành phố cấp.

Theo đó, các đối tượng được cấp Giấy đi đường bao gồm: thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; xử lý hạ tầng kỹ thuật; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị (không quá 10% trên tổng số); Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ trưởng các cơ quan tự chịu trách nhiệm cấp giấy và có báo cáo cho Công an Thành phố.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan ban Đảng, đoàn thể, Tổng Công ty trực thuộc thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương trú đóng tại thành phố chịu trách nhiệm cấp giấy cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị quản lý.

UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn cấp giấy cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân thuộc đơn vị, địa bàn quản lý (chỉ có hiệu lực trong phạm vi địa bàn quản lý). Đồng thời, các cơ quan cấp giấy phải thông báo số lượng và ký hiệu về Công an thành phố để kiểm tra, giám sát.

Công văn khẩn số 2796 cũng nêu rõ, cách thức nhận diện các đối tượng được phép tham gia lưu thông gồm: mẫu Giấy đi đường theo hướng dẫn của thành phố và đồng phục. Trong đó, các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác sẽ mặc áo nhận diện do Thành phố cấp.

Ký hiệu và phân công cấp quản lý nhóm công việc  được ra đường sau 23/8.
Ký hiệu và phân công cấp quản lý nhóm công việc  được ra đường sau 23/8.

17 nhóm công việc được phép đi đường theo công văn số 2796 của UBND TP.HCM:

1. Cán bộ, viên chức công chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc; Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính-ngân hàng, chứng khoán.

2. Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố.

3. Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối; Đơn vị lương thực thực phẩm, cung cấp suất ăn, trang thiết bị, vật tư y tế phòng dịch; Nhân viên phục vụ tại hệ thống phân phối, điện lực; Nhân viên làm việc tại các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, xăng dầu.

4. Người lao động tại đơn vị xây dựng (cấp thoát nuớc, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật...); Các công ty bảo trì sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng cơ quan, chung cư...

5. Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch, người đi cách ly và cách ly về...

6. Công an, Quân sự di chuyển thay ca tại các chốt, trạm kiểm soát, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp. 

7. Nhân viên hỗ trợ hoạt động ngoại giao; nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất.

8. Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ thuộc điều phối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện...)

9. Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, bưu chính nhà nước, lực lượng báo chí.

10. Dịch vụ công chứng

11. Nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ...

12. Các công ty cung ứng dịch vụ bảo vệ; nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế...

13. Người dân đi tiêm vaccine Covid-19; Tổ Covid-19 cộng đồng; Cấp cứu, khám chữa bệnh định kỳ....

14. Người dân vùng xanh đi chợ trên địa bàn theo quy định; Người đi chợ thay.

15. Các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...), cơ sở xuất ăn công nghiệp.

16. Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng).

17. Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ...) phục vụ cách ly người nước ngoài , nhân viên y tế...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate