April 28, 2016 | 08:26 GMT+7

Tấm giấy mời của tân Thủ tướng

Nguyên Vũ

“Giấy mời được thiết kế đẹp, thân thiện và trang trọng, chứ không phải trên tờ A4 giống như “giấy triệu tập”

Tấm giấy mời là điểm mới đầu tiên trong 5 điểm mới của sự kiện Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp.<br>
Tấm giấy mời là điểm mới đầu tiên trong 5 điểm mới của sự kiện Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp.<br>
Như VnEconomy đã thông tin, ngày 29/4 tới đây, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên sẽ gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam.

Sáng 22/4, trao đổi với báo giới về cuộc gặp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã nhắc đến tấm giấy mời - điểm mới đầu tiên trong 5 điểm mới của sự kiện đó.

Ông Hà nói, lần này, Thủ tướng đích thân mời doanh nghiệp, chứ không phải Văn phòng Chính phủ hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mời.

“Giấy mời được thiết kế đẹp, thân thiện và trang trọng, chứ không phải trên tờ A4 giống như “giấy triệu tập”, ông Hà cho biết.

“Tôi rất bất ngờ”

4 điểm mới có liên quan đến hội nghị thì còn cần thời gian để kiểm chứng độ xác thực, nhưng điểm mới thứ nhất thì đã được thực hiện.

Trên bì thư gửi doanh nghiệp, ngay dưới hình Quốc huy là dòng chữ “Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), kính gửi Công ty… (tên doanh nghiệp).

Bên trong ghi rõ: Thủ tướng Chính phủ trân trọng mời Công ty… đến dự Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước.

Hình ảnh nơi diễn ra hội nghị - Dinh Thống nhất (Tp.HCM) cũng được in trang trọng trên tấm giấy mời thân thiện - đúng như lời Phó văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết, là không phải trên một tờ giấy A4.

“Việc Thủ tướng đích thân mời doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của ông với sự phát triển kinh tế của đất nước, mà doanh nhân - doanh nghiệp đang đóng vai trò nòng cốt”, Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười bình luận.

Ông Mười cũng nhấn mạnh rằng, điều khiến ông bất ngờ là khi được trao “ngọn cờ” đứng đầu cơ quan hành pháp, được trao nhiệm vụ và quyền hạn, Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có sự thể hiện mạnh mẽ về cung cách lãnh đạo, tự tin và quyết đoán.

“Thủ tướng có cách giải quyết vấn đề rất mạch lạc dứt khoát, thực sự điều này làm tôi rất bất ngờ”, ông Mười nhìn nhận.

Ví dụ được ông nêu chính là chỉ đạo của Thủ tướng trước vụ việc chủ quán cà phê ăn uống Xin Chào ở Tp.HCM bị khởi tố.

Liên quan đến vụ việc này, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng đã từng trao đổi với báo chí là khi Văn phòng Chính phủ mới chuẩn bị tham mưu thì Thủ tướng đã đưa bài báo về vụ việc và yêu cầu dừng hình sự hoá.

“Thủ tướng đã quyết định tức khắc chứ không đợi hội ý gì cả, điều này mang tính đột phá trong thể chế hành chính, vốn đang cần phải được thay đổi về chất chứ không phải thay đổi lấy lệ”, ông Mười nhận xét.

Tổng giám đốc Vissan nói thêm, ông cũng rất nhớ chỉ đạo của Thủ tướng là cái gì là rào cản đối với doanh nghiệp thì cần phải dở bỏ. Và việc Thủ tướng trân trọng mời doanh nghiệp đến dự hội nghị cũng chính là để thúc đẩy việc dỡ bỏ những rào cản đó.

Tấm giấy mời của tân Thủ tướng 1

Tấm giấy mời của tân Thủ tướng 2

“Cực kỳ cứng rắn”


Thái độ của tân Thủ tướng trong cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ được doanh nhân ghi nhận.

Nhà báo Hoàng Tư Giang - người theo dõi rất sát sao về cải cách thể chế - cho rằng Thủ tướng đã để lại ấn tượng mạnh, khi tại cuộc họp ngày 25/4 vừa qua, ông đã đồng ý ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư  theo quy trình rút gọn (dùng một nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước 1/7/2016.

“Đây là một động thái cực kỳ cứng rắn của Thủ tướng với các bộ trưởng trong Chính phủ mới, vì môi trường kinh doanh lành mạnh”, nhà báo Tư Giang nhận xét.

Bởi, theo quan sát của nhà báo Tư Giang, điều kiện kinh doanh, vốn từng bị chặt bớt đi dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, nay đã nở rộ lên tới 6.000-7.000, làm nảy nở cơ chế xin-cho, tạo mảnh đất màu mỡ cho tệ tham nhũng, làm bào mòn sinh lực của bao doanh nghiệp, và triệt tiêu động lực của người dân.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, trong cuộc họp báo đã đề cập ở trên cũng đã nói: điều kiện kinh doanh mà không đưa lên cấp nghị định thì sẽ lại có trường hợp như ông bán phở Xin Chào.

Trên diễn đàn Quốc hội, bình về môi trường kinh doanh, có vị đại biểu Quốc hội đã nhận xét rằng “trên trải thảm, dưới trải đinh”. Câu này cũng từng được Thủ tướng nhắc lại, nhưng với yêu cầu không được để xảy ra tình trạng như thế.

Tấm giấy mời, và các điểm mới khác tại hội nghị với doanh nghiệp tới đây, có lẽ đang nhấn mạnh thêm yêu cầu này của người đứng đầu Chính phủ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate