Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện các giải pháp và tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn.
Trong đó, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các đối tượng có liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm.
Từ đầu năm đến ngày 15/7/2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra phát hiện 196 vụ vi phạm, tạm giữ 1.657 đơn vị sản phẩm vàng trang sức các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng giá trị hơn 14,2 tỷ đồng.
Đồng thời, ngành quản lý thị trường Thành phố cũng xử phạt hành chính với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong quá trình xác minh, xử lý, trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng nếu không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và sẽ tịch thu theo quy định.
Về tình hình mua bán vàng trong thời gian gần đây, tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 23/7, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), thừa nhận có tình trạng người dân khó mua vàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người đặt lệnh mua vàng nhưng không đến lấy vàng.
Bên cạnh đó, xuất hiện những hội nhóm chuyên săn suất mua vàng rồi bán lại để lấy phí từ 500.000 - 800.000/lượng, thậm chí nhận đặt theo thông tin mà người cần mua cung cấp.
Trước thực trạng đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có giải pháp điều chỉnh sao cho phù hợp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành chức năng đã và đang nghiên cứu để xây dựng chính sách hợp lý trong thời gian tới quản lý thị trường vàng; Tiến hành sửa đổi nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng đảm bảo thị trường vàng phát triển ổn định, bền vững…