December 06, 2022 | 09:39 GMT+7

Tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp xanh

Chu Khôi -

Với chủ đề “Xây dựng một nền nông nghiệp xanh và gia tăng giá trị”, hội nghị thường niên Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững (PSAV) năm nay là cơ hội mở cho các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp nước ngoài) thảo luận sâu đối với Chính phủ về các chính sách để hỗ trợ các khu vực tư nhân vào phát triển nông nghiệp xanh…

Việt Nam đang hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực.
Việt Nam đang hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực.

Hội nghị thường niên Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững (PSAV) năm 2022 đã diễn ra ngày 5/12/2022 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam.

THÚC ĐẨY HỢP TÁC ĐA PHƯƠNG

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân trong nước, mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chương trình PSAV được khởi xướng từ năm 2010 trong khuôn khổ “Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hướng đến mục tiêu 20-20-20 (tăng 20% năng suất, giảm 20% đói nghèo, giảm 20% phát thải).

 

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thành lập Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo về lương thực thực phẩm (FIH), gắn liền với phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế tham gia trong quá trình chuẩn bị và triển khai FIH”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đến thời điểm hiện tại, PSAV có 8 Nhóm công tác công - tư (PPP) ngành hàng, bao gồm các nhóm về cà phê, chè, rau quả, thủy sản, gạo, gia vị và hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, với sự tham gia của 120 tổ chức, gồm các cơ quan Chính phủ, các công ty, hiệp hội ngành hàng, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.

“Với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng tôi đang nỗ lực chuyển đổi để hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sinh thái, trung hòa các bon bên cạnh mục tiêu an ninh lương thực”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã xác định phải tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp xanh. Việc triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cần thúc đẩy hợp tác đa phương bao gồm khối công - tư và các đối tác trong toàn chuỗi cung ứng cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.

Tận dụng mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp xanh - Ảnh 1

Để đạt mục tiêu về nền nông nghiệp bền vững, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà còn từ phía các doanh nghiệp, những người sản xuất trực tiếp.

Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, cho biết Syngenta Việt Nam có vai trò là đồng trưởng nhóm công tác ngành rau quả; thành viên nòng cốt Nhóm công tác về hoá chất nông nghiệp, cà phê và hồ tiêu, cây gia vị của PSAV. Vì vậy, Syngenta luôn ý thức được nhiệm vụ của mình đối với sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.

“Với thế mạnh về nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, Syngenta đã và đang tham gia tích cực với nhiều hoạt động phối hợp cùng một số đối tác trong khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, các Viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan chức năng tại các địa phương thực hiện các dự án trên cây cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, khoai tây...  Tất cả nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giúp kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị cho nông sản và cải thiện cuộc sống của người nông dân”, ông Trần Thanh Vũ nói.

Syngenta luôn nỗ lực mang đến các giải pháp công nghệ mới giúp cải thiện điều kiện trồng trọt; nâng cao chất lượng cây trồng; mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân.

Tại hội nghị PSAV năm 2022, Syngenta và Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) đã ký kết Bản ghi nhớ (MoU) về Hợp tác công tư thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Mục tiêu của Bản ghi nhớ là xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa nông dân - thị trường để cải tiến các quy trình sản xuất nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu các thị trường quốc tế lớn. Bản ghi nhớ cũng đề cập đến việc đầu tư thí điểm các công nghệ, mô hình canh tác mới nhằm giảm suy thoái đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập của người nông dân.

NÂNG CHẤT CÀ PHÊ TỪ NÔNG NGHIỆP TÁI SINH

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho hay tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé thực hiện thông qua chương trình NESCAFÉ Plan và các sáng kiến hợp tác đa bên về nông nghiệp bền vững được khởi xướng năm 2011.

Nestlé Việt Nam đã tăng cường hợp tác công - tư với các đối tác như Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức, đối tác.

 

"Chương trình đã giúp người nông dân tái canh 63.000 ha cà phê già cỗi, giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/thuốc trừ sâu, tăng 30-100% thu nhập nhờ áp dụng mô hình xen canh hợp lý, và giảm lượng phát thải các-bon trên mỗi ký cà phê được thu hoạch".

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam.

Chương trình NESCAFÉ Plan đã gắn kết thành công với người nông dân khu vực Tây Nguyên, nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt, áp dụng phương pháp canh tác bền vững, tái canh diện tích cây cà phê già cỗi, gia tăng thu nhập cho các nông hộ, đảm bảo sinh kế cũng như gia tăng quyền năng của các nữ nông dân.

Đồng thời, nông nghiệp tái sinh còn giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Việc cải tạo chất lượng đất còn giúp tăng khả năng hấp thụ khí các bon vào đất, giảm phát thải.

Bên cạnh đó, NESCAFÉ Plan còn giúp tri thức hóa người nông dân thông qua việc áp dụng chuyển đổi số trên chính rẫy cà phê của mình. Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ quản lý nhật ký nông hộ (Digital Farmer Field Book - FFB), giúp người nông dân quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, kiểm soát chi phí và lợi nhuận, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ; Đồng thời, tính toán được chi tiết phát thải các bon trên rẫy cà phê của mình.

Ông Binu Jacob cho biết thêm, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Ngày Cà phê Việt Nam từ 9-11/12/2022, Nestlé Việt Nam và Hiệp hội Cà phê Việt Nam (VICOFA) sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, hướng tới xây dựng ngành cà phê bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao thu nhập của người sản xuất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate