Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm 2024 tới đầu năm 2025, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi vẫn được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới như: bệnh Nipah tại Ấn Độ; cúm A (H5N1) tại Mỹ, Campuchia, Australia, Trung Quốc, Canada; đậu mùa khỉ (Mpox) tại khu vực châu Phi; MERS-CoV tại khu vực Trung Đông.
Ngoài ra, một số bệnh truyền nhiễm khác đã ghi nhận số mắc cao trên toàn cầu như: Cúm, sởi, sốt xuất huyết…
Để sẵn sàng, chủ động giám sát, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nước ta qua các cửa khẩu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh/thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế đề nghị phối hợp thực hiện.
Theo đó, các đơn vị nêu trên chủ động cập nhật các thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để tăng cường giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, nhằm kịp thời phát hiện sớm, cách ly, áp dụng các biện pháp dự phòng, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về kiểm dịch y tế đang có hiệu lực, đảm bảo đúng đối tượng, quy trình. Tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành tại các cửa khẩu đã được quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 và Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ và các văn bản liên quan khác.
Các đơn vị cũng rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tại từng cửa khẩu, trong đó có phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán khi phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi bùng phát trên thế giới. Lưu ý kế hoạch cần có sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các đơn vị chủ động tham mưu Sở Y tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt định mức trang thiết bị sử dụng cho công tác kiểm dịch y tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2021/TT-BYT ngày 9/11/2021 của Bộ Y tế.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn về kiểm dịch y tế. Từ đó đề xuất phương án sửa đổi bằng văn bản gửi về Cục Y tế dự phòng để tổng hợp, tham mưu cập nhật, sửa đổi.
Các đơn vị cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để tổ chức tập huấn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế…