September 08, 2024 | 10:55 GMT+7

Tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu tác hại của mạng xã hội TikTok!

Hà Giang -

Một cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu đánh giá tác hại của mạng xã hội TikTok, cần thiết có thể cấm hoạt động của trang mạng này, vì hiện nay có rất nhiều thông tin độc hại gây hoang mang lo lắng trong nhân dân…

 Tính đến hết năm 2023, số lượng người dùng TikTok đạt gần 68 triệu người, đứng thứ 5 trong số các quốc gia có lượng người dùng lớn nhất tại nền tảng này - Nguồn: Báo cáo WeAreSocial Digital 2024.
Tính đến hết năm 2023, số lượng người dùng TikTok đạt gần 68 triệu người, đứng thứ 5 trong số các quốc gia có lượng người dùng lớn nhất tại nền tảng này - Nguồn: Báo cáo WeAreSocial Digital 2024.

Gửi kiến nghị tới Bộ Thông tin và Truyền thông trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Bộ Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục có giải pháp hiệu quả hơn trong công tác quản lý thông tin, ngăn chặn xử lý kịp thời các thông tin xấu, sai sự thật, lừa đảo trên không gian qua mạng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử nghiêm hành vi vi phạm Luật An ninh mạng. Cần nghiên cứu đánh giá tác hại của mạng xã hội TikTok, cần thiết có thể cấm hoạt động của trang mạng này, vì hiện nay có rất nhiều thông tin độc hại gây hoang mang lo lắng trong nhân dân”.

Trước kiến nghị trên, trong văn bản trả lời của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết không gian mạng hiện nay đang tồn tại nhiều thông tin xấu độc, tin giả, nội dung vi phạm pháp luật. Các mạng xã hội xuyên biên giới đang là công cụ được các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, lan truyền nội dung xấu, tin giả, lừa đảo trên mạng...

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định "không gian mạng đã trở thành trận địa chính", do đó, trong thời gian qua, Bộ đã chủ động nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả hơn nội dung trên không gian mạng. Hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật bảo đảm hiệu quả công tác quản lý không gian mạng, hạn chế tối đa các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, lừa đảo…. Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung nhiều quy định để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực này, tăng cường quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới.

Thứ hai, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ trực tuyến trên không gian mạng và đặc biệt là của các doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội.

Thứ ba, quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok… buộc các nền tảng này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xấu độc, tin giả, nội dung lừa đảo trên nền tảng của các đơn vị này. Nhờ đó, tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật trên các nền tảng này đều có tăng theo từng giai đoạn và các nền tảng này đều đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ Việt Nam.

 
Qua công tác quản lý thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy TikTok đang thu hút lượng lớn người sử dụng tại Việt Nam và có khả năng gây tác động, ảnh hưởng tới đời sống xã hội của người Việt, đặc biệt là giới trẻ.

Thứ tư, triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát không gian mạng: Vận hành Trung tâm Giám sát không gian mạng; Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu lừa đảo, các thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng để chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn phù hợp, kịp thời; kết nối các bộ, ban, ngành, địa phương với Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam để hướng dẫn thành lập Trung tâm xử lý tin giả tại các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia.

Thứ năm, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để quản lý thông tin trên mạng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm, với nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.

Thứ sáu, đẩy mạnh tuyến bài tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là "vô danh nên vô trách nhiệm", không lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật…; kết nối, tập hợp các nhà sáng tạo nội dung, kênh nội dung trong nước để tổ chức các chiến dịch truyền thông chính sách, định hướng, khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực trên mạng.

Thứ bảy, ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội; Phát hành cuốn "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng mạng Internet để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả tin giả, tin sai sự thật.

Thứ tám, đặc biệt, do gần đây, vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên phức tạp dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi, tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì cuộc họp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan triển khai ngay các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này như: xử lý nghiêm SIM rác; xây dựng Black List các số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo; chỉ đạo mạng xã hội có giải pháp cảnh báo người sử dụng về các dấu hiệu lừa đảo trên mạng, rà quét, phát hiện, ngăn chặn các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu người bị lừa đảo trên không gian mạng và có cơ chế cập nhật liên tục để đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống, phân tích dữ liệu để xác định, phân loại đối tượng chịu ảnh hưởng, làm đầu vào cho việc đề xuất các chính sách tác động hiệu quả, kịp thời…

Đối với kiến nghị về việc nghiên cứu, đánh giá tác hại của mạng xã hội TikTok, qua công tác quản lý thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy TikTok đang thu hút lượng lớn người sử dụng tại Việt Nam và có khả năng gây tác động, ảnh hưởng tới đời sống xã hội của người Việt, đặc biệt là giới trẻ.

Do đó, bên cạnh việc quyết liệt triển khai những giải pháp nêu trên, năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam (gồm nhiều bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an…).

Sau khi Đoàn hoàn thành kiểm tra trực tiếp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kết luận kiểm tra số 08/KL-BTTTT ngày 29/9/2023 về việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam và đôn đốc TikTok thực hiện các yêu cầu tại Kết luận kiểm tra. Nhờ đó, góp phần ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật, hạn chế tối đa các nội dung tiêu cực, độc hại trên TikTok.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate