Yêu cầu được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu trong văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Marburg (Mác-bớc) xâm nhập vào nước ta.
THỰC HIỆN GIÁM SÁT NGAY TỪ CỬA KHẨU
Cục Y tế dự phòng cho biết theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ cuối tháng 9/2024, Rwanda đã lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh Marburg tại nước này.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến ngày 10/10/2024, đã ghi nhận tổng số 58 trường hợp mắc, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại 7 trong số 30 quận của nước này. Khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế.
Bệnh Marburg là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%). Đến nay, bệnh chưa có vaccine, thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.
Một số quốc gia như: Hòa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp y tế tại cửa khẩu, nhằm kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập.
Để chủ động giám sát, phát hiện, kiểm soát dịch bệnh Marburg xâm nhập vào nước ta, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế, cập nhật thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đang ghi nhận trường hợp bệnh này.
Qua đó, nhằm tăng cường, chủ động giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch y tế từ các khu vực này nhập cảnh, quá cảnh, nhập khẩu qua các cửa khẩu tại nước ta.
Cùng với đó, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với cán bộ, nhân viên, và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây lan ra cộng đồng.
Các đơn vị nêu trên cũng cần chuẩn bị sẵn sàng phòng, khu vực cách ly tạm thời sử dụng cho các trường hợp nghi ngờ,mắc bệnh ở cửa khẩu (nếu cần); các trang thiết bị, hóa chất, thuốc đảm bảo có thể sử dụng ngay khi có dịch.
Đồng thời, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác kiểm dịch y tế về giám sát, kiểm soát bệnh Marburg. Đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức truyền thông tại cửa khẩu cho hành khách, người dân về các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế khi họ phát hiện các triệu chứng và yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh trong vòng 21 ngày, kể từ ngày họ nhập cảnh Việt Nam.
Ngoài ra, cần rà soát, cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh Marburg tại từng cửa khẩu với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế tại địa phương. Trong đó lưu ý về nhân viên y tế đi cùng, phương tiện vận chuyển người nghi ngờ, mắc bệnh và cơ sở y tế có thể tiếp nhận chăm sóc, điều trị.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Bộ Y tế yêu cầu hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát và các biện pháp phòng chống, lấy mẫu, vận chuyển mẫu bệnh phẩm an toàn; tiếp nhận mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán xác định bệnh Marburg từ các địa phương. Đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định bệnh Marburg.
NGUY CƠ LÂY LAN DỊCH THẤP Ở CẤP ĐỘ TOÀN CẦU
Liên quan đến dịch bệnh Marburg, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ của đợt bùng phát bệnh là rất cao ở cấp quốc gia, cao ở cấp khu vực Châu Phi, và thấp ở cấp độ toàn cầu. Đồng thời, khuyến cáo không nên áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại và thương mại nào với Rwanda, trong bối cảnh dịch bệnh do virus Marburg đang diễn ra.
Theo Tổ chức Y thế Thế giới, bệnh do virus Marburg, trước đây được gọi là sốt xuất huyết Marburg, là một căn bệnh ban đầu lây truyền sang người do tiếp xúc kéo dài khi làm việc trong các hang động, là nơi sinh sống của các đàn dơi ăn quả.
Sau khi đã thâm nhập vào quần thể người, virus Marburg có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp (qua da bị tổn thương hoặc niêm mạc) với máu, dịch tiết, nội tạng, hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh, cũng như với các bề mặt và vật liệu (giường, quần áo) bị nhiễm các chất dịch này.
Triệu chứng bệnh là bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu. Đau nhức cơ bắp là một đặc điểm phổ biến. Tiêu chảy nhiều nước nghiêm trọng, đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu vào ngày thứ ba của bệnh.
Phát ban không ngứa đã được báo cáo ở những bệnh nhân từ 2 đến 7 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng. Từ ngày thứ 5 của bệnh, bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết, bao gồm có máu tươi trong chất nôn và phân, chảy máu từ mũi, nướu và âm đạo, chảy máu tại các vị trí chích tĩnh mạch.
Tử vong thường xảy ra trong khoảng từ 8 đến 9 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng, thường do mất máu nghiêm trọng và sốc. Hiện tại, bệnh chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị kháng virus nào được phê duyệt, nhiều loại vaccine và liệu pháp thuốc đang được nghiên cứu phát triển.
Trong bối cảnh đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế việc đi du lịch không cần thiết ở các quốc gia đang có bùng phát dịch. Đối với người đã từng đi qua các quốc gia đang có dịch, nếu phát hiện bản thân có những triệu chứng nghi ngờ bệnh, cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế.
Đồng thời, cung cấp cho nhân viên y tế đầy đủ thông tin về lịch sử bản thân đi đến vùng có dịch bệnh, để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, cũng như hạn chế lây nhiễm.
Người dân cũng nên tham khảo thông tin về các dịch bệnh đăng tải tại các nguồn chính thống, có trích dẫn nguồn tin (nếu đăng lại) để tránh các thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang, lo lắng.