Hội nghị là cơ hội để cả 2 bên cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác kinh tế sâu rộng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều năm qua, đồng thời tạo điều kiện để đoàn doanh nghiệp Trung Quốc gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị tổ chức sự kiện, đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu dài và thành công của 2 nước trên nhiều lĩnh vực, với hợp tác kinh tế là đầu tàu quan trọng.
NĂM 2023, HỢP TÁC ĐẦU TƯ CÓ BƯỚC TIẾN ĐỘT PHÁ
Theo lãnh đạo VCCI, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian vừa qua.
Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 4 lần, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD. Bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 59,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 18 tỷ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 41,6 tỷ USD.
Đầu tư của Trung Quốc đã tăng hơn 7 lần, giúp nước này trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư của Việt Nam. Trong năm 2023, hợp tác đầu tư có bước tiến đột phá, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam.
“Tính đến tháng 3/2024, Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD”, chủ tịch VCCI thông tin tại hội nghị.
Đồng quan điểm, ông Ô Quốc Quyền, Tham tán Công sứ tại Đại sứ quán Trung Quốc, khẳng định rằng Trung Quốc và Việt Nam là đối tác kinh tế thương mại quan trọng của nhau, hợp tác kinh tế thương mại là một phần quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
“Trong bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 80,31 tỷ USD, tăng hơn 20%. Trong cùng kỳ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện 278 dự án đầu tư mới tại Việt Nam, đứng đầu trong số 145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam”, ông chia sẻ tại hội nghị.
CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA HỢP TÁC
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Chính phủ Việt Nam đặt quyết tâm và có chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện chuyển đổi số. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Trung Quốc phát huy và thành công tại Việt Nam.
Chủ tịch VCCI khẳng định trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức và biến động, việc tăng cường hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trở nên cấp thiết.
“Trung Quốc là thị trường hơn 1,4 tỷ dân, nhu cầu về hàng hóa đa dạng, hệ thống logistics phát triển cùng sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hứa hẹn triển vọng hợp tác ngày càng cao về kinh tế thương mại giữa hai bên”, chủ tịch VCCI cho biết.
Các doanh nghiệp hai nước không chỉ cần phải thích ứng nhanh chóng với những thay đổi, mà còn phải tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, cũng như tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đó, ông Phạm Tấn Công bày tỏ tin tưởng rằng Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP), một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới sẽ trở thành xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp hai nước.
Theo ông Ô Quốc Quyền, hiệp định RCEP sau hơn hai năm có hiệu lực đã mang lại hiệu quả trong việc giảm thiểu chi phí thương mại khu vực, thắt chặt mối liên kết chuỗi cung ứng trong khu vực, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia, bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam, đồng thời góp sức cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam hy vọng rằng các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp hai bên sẽ tận dụng tốt nền tảng chất lượng do Hiệp định RCEP cung cấp, khai thác tiềm năng hợp tác, mở rộng kết nối công nghiệp, làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi, cùng nhau thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung không ngừng tiến lên tầm cao mới.
Chia sẻ tại sự kiện hôm 31/5, ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch Uỷ ban hợp tác Công nghiệp RCEP, chuyên gia kinh doanh ASEAN trưởng của Trung Quốc đồng thời là trưởng đoàn các doanh nghiệp Trung Quốc sang thăm Việt Nam lần này, nhận định rằng hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc có nhiều ưu thế và điều kiện thuận lợi.
Thứ nhất, lãnh đạo và chính phủ hai nước đã đạt được một loạt các đồng thuận hợp tác.
Thứ hai, kinh tế thương mại có tính bổ trợ lẫn nhau, tiềm năng hợp tác công nghiệp lớn.
Thứ ba, có nền tảng tốt để tăng cường hợp tác. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc.
Thứ tư, giao thông thuận tiện, giúp ích cho hợp tác thương mại và đầu tư của doanh nghiệp.
Thứ năm, các doanh nghiệp hai bên đã tích cực hợp tác trong việc phát triển thị trường quốc tế.
“Chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Trung Quốc với hàng trăm thành viên và hội nghị lần này chính là để nhằm mục đích tận dụng những ưu thế và điều kiện thuận lợi nêu trên, thúc đẩy hơn nữa các doanh nghiệp và các bên liên quan của hai nước khai thác tính bổ trợ trong kinh tế thương mại, qua đó tăng cường hiểu biết và hợp tác cùng phát triển”, ông Hứa Ninh Ninh khẳng định.
ĐỀ XUẤT GIÚP TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ HỢP TÁC KINH TẾ
Bên cạnh những nhận định tích cực trên về thành quả hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Hứa Ninh Ninh cũng đưa ra một số đề xuất để giúp mối quan hệ trên đi vào chiều sâu, tăng cường hiệu quả kết nối kinh tế và tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp của 2 nước.
Một là, thực hiện tốt các nhận thức chung về hợp tác kinh tế mà lãnh đạo và chính phủ hai nước đã đạt được. Các bên liên quan trong hợp tác nên tìm hiểu trước về những nhất trí chung này qua mạng internet.
Hai là, phát huy vai trò của các hiệp hội thương mại và hiệp hội ngành nghề trong hợp tác. Các hiệp hội thương mại của hai nước nên tích cực kết nối, sự hợp tác giữa các hiệp hội sẽ mang lại những hiệu quả nổi bật và có thể chỉ đạo việc hợp tác giữa các doanh nghiệp có hiệu quả hơn.
Ba là, các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa trình độ hợp tác đầu tư thương mại quốc tế, bao gồm việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, khai thác thị trường của nhau và cùng phát triển thị trường bên thứ ba, tuân thủ pháp luật, tôn trọng phong tục địa phương, không ngừng củng cố kinh doanh bản địa hóa.
Bốn là, phát huy đầy đủ vai trò của chính quyền địa phương trong hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.
Ông cho biết phía Trung Quốc hoan nghênh các cơ quan có liên quan của phía Việt Nam tổ chức đoàn đến thăm các tỉnh thành của nước này để khảo sát cơ hội kinh doanh, đàm phán hợp tác, thu hút đầu tư, và khai thác thị trường.