Bộ Y tế nhận được kiến nghị của cử tri, phản ánh tình trạng hiện nay có nhiều thuốc tại các quầy thuốc bán tự do, trong khi đó các bác sỹ tại các trạm y tế không được sử dụng. Đây là một vấn đề bất cập lớn trong việc thu hút bệnh nhân tại các trạm y tế xã phường.
Cử tri lo ngại việc các quầy thuốc bán thuốc tràn lan chưa kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến bệnh nhân bị kháng thuốc nhiều, nên khi đến trạm y tế điều trị ít hiệu quả.
Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết hiện nay, trên toàn quốc đã có khoảng trên 66 nghìn cơ sở bán lẻ thuốc, trong số đó, có khoảng 40 nghìn cơ sở bán lẻ là quầy thuốc được tổ chức tại cấp huyện để đảm bảo nhu cầu tiếp cận thuốc của người dân ở khu vực nông thôn.
Quầy thuốc hoạt động với yêu cầu có người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, là dược sĩ trung học trở lên, và được bán các thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu, và thuốc không kê đơn.
Ngoài ra, đối với các khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, căn cứ cơ cấu bệnh tật của địa phương được xác định theo quy định, Sở Y tế địa phương có văn bản cho phép quầy thuốc bán thêm một số thuốc kê đơn không thuộc Danh mục thuốc thiết yếu.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, qua quá trình thanh tra, kiểm tra, thực tế có thể vẫn còn hiện tượng các quầy thuốc bán thuốc ngoài phạm vi (là thuốc kê đơn không thuộc Danh mục thuốc thiết yếu) do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, bao gồm nhận thức của người chịu trách nhiệm chuyên môn, công tác thanh kiểm tra đến các vùng sâu, vùng xa chưa nhiều…
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý về dược từ Trung ương đến địa phương, tăng cường các biện pháp quản lý đối với các cơ sở bán lẻ là quầy thuốc. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các quầy thuốc; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang tích cực xây dựng, triển khai các quy định về kê đơn điện tử, và bán thuốc theo đơn điện tử, để đảm bảo có thể kiểm soát và giám sát việc kê đơn thuốc, từ đó giảm nguy cơ lạm dụng thuốc.
Cán bộ y tế có thể xem lại lịch sử kê đơn của bệnh nhân và xác định liệu trình điều trị phù hợp, đồng thời giới hạn việc kê đơn quá mức.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số trong ngành Y tế, Bộ Y tế cho biết thời gian qua, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế.
Cùng với đó là các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để tạo thành bành lang pháp lý cho công tác này.
Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đây tiến trình phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành y tế.
Đơn cử như: Tăng cường triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế; nâng cấp và đồng bộ các hệ thống quản lý thông tin y tế, đảm bảo tính liên thông và tích hợp giữa các hệ thống. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ để các cơ sở y tế có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin.
Từ đó, người dân và người bệnh đã được hưởng lợi từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác y tế.