August 12, 2021 | 19:06 GMT+7

Tăng diện tích trồng ngô để giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu

Chu Khôi -

Những năm qua, diện tích trồng ngô ở nước ta liên tục sụt giảm sâu, nguyên nhân bởi ngô trong nước khó cạnh tranh so với ngô nhập khẩu. Tuy nhiên, với việc giá ngô nhập khẩu tăng tới 71,6% trong vòng nửa năm qua, các chuyên gia nhận định, đây sẽ là cơ hội cho nông dân trong nước thúc đẩy tăng diện tích trồng ngô, tăng thu nhập...

Trồng ngô đang thuận lợi nhờ giá bán cao.
Trồng ngô đang thuận lợi nhờ giá bán cao.

Tại hội thảo "Tìm giải pháp bổ sung nguồn cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam" ngày 12/8/2021, các chuyên gia đồng tình cho rằng, để giảm áp lực phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giảm giá thành cần đẩy mạnh phát triển cũng như tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, nhất là ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến do Văn phòng Nông nghiệp, Đại sứ quán Hoa Kỳ (USDA) và Tổ chức CropLife Châu Á (CLA) đồng phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) tổ chức.

CHI HƠN 7 TỶ USD NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU 

Bà Sarah Gilleski, Quyền Tham tán Nông nghiệp tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, cho biết hội thảo này tập trung vào việc chia sẻ các thông tin về nhu cầu, nguồn cung ứng, dự báo thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đồng thời nhằm đánh giá các lợi ích và thách thức trong việc ứng dụng cây trồng công nghệ sinh học như một công cụ và cách tiếp cận đổi mới để tăng năng suất cây trồng, thu nhập cho người nông dân và bổ sung nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi cho thị trường trong nước.

 
"Việt Nam trở thành quốc gia đứng số 1 Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Theo dự báo, nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta sẽ cần khoảng 28- 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, giá trị khoảng 12-13 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 11 – 12%/năm".
Hiệp hội Gia cầm Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA nhận định, trong 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 5-6%/năm. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13- 15%/năm.

Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn. Nếu tính cả thức ăn cho thủy sản thì tổng sản lượng thức ăn công nghiệp năm 2020 là khoảng 25 triệu tấn.

Mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở Top đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-85% nguyên liệu.

Kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2020 lên tới 7,162 tỷ USD với lượng trên 20 triệu tấn. Trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã là 3,903 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân lượng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn như vậy và không ngừng gia tăng là do mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5 -5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu hàng năm cần tới 26-27 triệu tấn các loại, chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu động thực vật…

Trong đó, ngô là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về cả khối lượng lẫn giá trị.

Đại diện Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ, cho biết những nước đang cung cấp ngô và đậu tương trên thế giới cũng là các quốc gia hàng đầu về canh tác và sản xuất cây trồng biến đổi gen.

Hiện tại, sản lượng ngô biến đổi gen đang đóng góp khoảng 75% nguồn cung ngô trên toàn cầu. Trên thị trường thế giới, không phân biệt đâu là ngô được sản xuất từ giống thông thường hay giống biến đổi gen.  

CƠ HỘI TĂNG DIỆN TÍCH TRỒNG NGÔ

Bà Đinh Thị Thu Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi tăng 36,6%  so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường quốc tế biến động tăng rất mạnh trong thời gian qua. Tại thị trường Chicago (Mỹ), 6 tháng đầu năm 2021, giá đậu tương tăng 65,64%; giá ngô tăng 71,6%; giá lúa mỳ tăng 24,41%...đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng theo.

Trước tình trạng giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi tăng quá cao gây khó khăn cho ngành chăn nuôi, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp về chính sách thuế, thương mại, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản.

Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có trồng ngô để tăng cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.

 
Giá bán ngô hạt của các giống ngô đều như nhau, bình quân 5,3 triệu đồng/tấn. Nhờ tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô /ha) khi so sánh với các giống truyền thống, nên thu nhập từ trồng ngô biến đổi gen tăng thêm 3,75 – 6,65 triệu đồng/ha.

Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mai Giống Cây trồng Việt Nam chia sẻ, diện tích sản xuất ngô nước ta liên tục giảm kể từ năm 2015 đến nay.

Năm 2014 diện tích trồng ngô đạt 1.179 nghìn ha, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 943 nghìn ha. Năm 2020, sản lượng ngô thu hoạch trong nước chỉ đạt 4,76 triệu tấn, trong khi khối lượng ngô nhập khẩu lên tới 12 triệu tấn, với kim ngạch 2,39 tỷ USD.

Theo ông Định, từ 2015 đến nay đã có 16 giống ngô biến đổi gen của 3 công ty được công nhận lưu hành tại Việt Nam, trong đó có 8 giống hiện đang được nông dân canh tác.

Hiệu quả kinh tế của ngô biến đổi gen qua điều tra nông hộ quy mô toàn quốc năm 2019: năng suất ngô biến đổi gen trồng tại Việt Nam đạt bình quân 8,72 tấn/ha/vụ; trong khi năng suất tổng hợp bình quân các giống ngô truyền thống đạt 6,69 tấn/ha/vụ.

Với diện tích canh tác ngô biến đổi gen khoảng 92.000 ha năm 2019 (chiếm 10,2% tổng diện tích trồng ngô), lợi nhuận ròng tăng thêm 17,95 – 30,38 triệu USD.

Tính theo lũy kế, từ năm 2015 đến 2019, nhờ canh tác ngô biến đổi gen, tổng lượng thuốc trừ cỏ sử dụng đã giảm bớt 134.760 kg (tương đương giảm 1,2% tổng lượng thuốc trừ cỏ sử dụng trong canh tác nông nghiệp trong giai đoạn này). 

Cũng trong giai đoạn này, nhờ canh tác ngô biến đổi gen mà tổng lượng thuốc trừ sâu sử dụng đã giảm bớt 62.075 kg (tương đương giảm 3,4% tổng lượng thuốc trừ sâu sử dụng trong canh tác nông nghiệp).

 “Hiện tại năng suất của các giống ngô lai truyền thống đã tới hạn, do đó, việc đưa vào sản xuất các giống ngô biến đổi gen với năng suất cao và khả năng chống chịu tốt hơn đồng thời mở rộng diện tích canh tác ngô sẽ là các giải pháp cơ bản để tăng sản lượng ngô sản xuất trong nước”, ông Định khẳng định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate