Thực tế cho thấy đang có rất nhiều cách bán hàng không nhất thiết phải “đi qua” báo chí. Các doanh nghiệp cũng đang tìm những phương thức hiệu quả hơn để quảng cáo. Các thương hiệu quan tâm rất nhiều về chi phí thực để chuyển đổi ra một khách hàng, tạo được đơn hàng ở mức thấp nhất. Báo chí chưa thể nào thích ứng kịp…
NHIỀU BÁO BỊ SỤT GIẢM DOANH THU
Số liệu nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho thấy những năm hậu đại dịch Covid-19, 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10-30%; gần 17% cơ quan báo chí ghi nhận doanh thu giảm; 71% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm; 74,6% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo điện tử giữ ổn định hoặc tăng.
Nêu lên nhiều vấn đề doanh thu báo chí hiện đại đang phải đối mặt, tại phiên thảo luận: “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, cho biết cùng với báo chí thế giới, doanh thu từ phát hành báo in và quảng cáo trên báo in tại Việt Nam vẫn là 2 nguồn thu chính, nhưng đều đang có xu hướng giảm.
Ngân sách Nhà nước, cơ quan chủ quản cho báo chí không nằm ngoài xu hướng đó do yêu cầu tự chủ đối với cơ quan báo chí là đơn vị Nhà nước. Trong khi đó, doanh thu từ đặt hàng truyền thông chính sách chiếm trên 15% tổng doanh thu, dần thay thế nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, cơ quan chủ quản.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết nguồn thu của các cơ quan báo chí trải rộng từ 200-300 triệu đồng cho đến hàng nghìn tỷ đồng. Hiện chỉ còn khoảng 2 cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ.
“Hiện nay, không gian mạng đã dần làm mất đi hành vi trả tiền để mua báo, để đọc được nội dung. Do đó, mô hình độc giả trả tiền để không phải xem quảng cáo có thể là thị trường ngách cho phân khúc khách hàng có nhu cầu cao trong việc trải nghiệm xem nội dung”, ông Nguyễn Thanh Lâm gợi mở.
Ông Lâm cho rằng báo chí cùng tham gia quản lý xã hội, định hướng xã hội, cơ quan báo chí cũng là đơn vị chủ lực đưa thông tin chính thống đến xã hội để tạo ra sự đồng thuận. Theo đó, Nhà nước cũng là một khách hàng lớn của báo chí.
“Cách đây đúng một năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 về tăng cường công tác truyền thông chính sách, cho thấy có sự chuyển biến rất rõ về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong truyền thông chính sách”, ông Lâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, báo chí cũng phải cạnh tranh với phương thức truyền thông chính sách là các cổng thông tin, loa đài phường xã, mạng xã hội… Chưa biết được phương thức nào sẽ ưu việt hơn phương thức nào”. Từ đó, báo chí phải nâng mình lên để đón được nguồn thu đặt hàng của Nhà nước.
Về giải pháp tăng nguồn thu, quan điểm của ông Đồng cho rằng hiện việc triển khai thu phí độc giả thì các cơ quan báo chí vẫn gặp phải khó khăn, do việc ứng dụng dữ liệu để hiểu và phục vụ nhu cầu độc giả chưa phổ biến.
Theo đó, về dài hạn, cần đẩy mạnh xã hội hoá để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò “cầu nối” của Bộ Thông tin và Truyền thồn, các hiệp hội; tập trung ngân sách cho một số có quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực…
LIÊN KẾT SẢN XUẤT, TRUYỀN THÔNG ĐA NỀN TẢNG
Hiện nay, Đài PTTH Vĩnh Long có doanh thu đến 1.500 tỷ đồng/năm, trong đó, hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng nguồn thu của đài. Cùng với đó là nguồn thu từ quảng cáo trên phát thanh bằng việc thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream…
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long, cho biết bắt đầu từ năm 2014, Đài PTTH Vĩnh Long đã thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình. Trung bình mỗi năm, đài liên kết sản xuất 40- 50 chương trình truyền hình thực tế, gameshow đến phim ngắn, phim thiếu nhi và chương trình khoa giáo… đã huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư vào sản xuất chương trình, góp phần thu hút tài trợ và quảng cáo.
Song song đó, Đài PTTH Vĩnh Long đã từng bước mở rộng phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện như ứng dụng nghe phát thanh miễn phí trên internet THVLaudio, 48 kênh YouTube, 23 Fanpage Facebook, 4 kênh Tiktok… thu hút thêm độc giả, góp phần mang về nguồn thu mới cho đài.
Hoạt động tuyên truyền, chủ yếu hỗ trợ làm phim tư liệu cho các sở, ngành trong tỉnh và các video clip giới thiệu doanh nghiệp cũng góp phần tạo nên nguồn thu cho cơ quan này.
Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn mà Đài PTTH Vĩnh Long gặp phải khi đổi mới, đó là việc sản xuất chương trình vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống, chậm chuyển đổi; nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn yếu; các nền tảng số đang khai thác doanh thu đều đến từ nước ngoài nên sự đầu tư lâu dài cũng không thể chắc chắn; báo chí hiện vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao (20%)…
Theo ông Tuấn, để đẩy mạnh nguồn thu từ sản xuất nội dung số, trước tiên người làm báo phải tạo ra sản phẩm chất lượng, "rồi mới nghĩ đến chuyện bán ở đâu, cho ai", bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, cập nhật các hình thức quảng cáo mới, thu phí người dùng, vấn đề bản quyền, đào tạo nguồn nhân lực…
Chia sẻ về cách làm báo chí hiện đại, còn ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, cho biết cơ quan này luôn tìm cách để đa dạng nguồn thu. Mỗi tháng chúng tôi phải có 14 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên, chưa kể các khoản đầu tư về công nghệ. Vậy tiền đó ở đâu? Nguồn thu chia ra nhóm 01 là khách hàng mua bán đọc báo hàng ngày, nhóm khách hàng thứ 02 là doanh nghiệp mua quảng cáo trên các nền tảng, nhóm thứ 03 là cơ quan Nhà nước. Cần chia ra để có các bước chăm sóc, quan tâm.
“Nếu trước dịch Covid-19, nguồn thu từ báo in của cơ quan này chiếm 75%, thì hiện tỉ trọng đã đảo ngược lại với 75% đến từ nền tảng số, mạng xã hội. Từ đó buộc chúng tôi phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ”, ông Toàn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng biên tập Báo Giao thông, cho rằng nguyên tắc trụ lại trong giai đoạn này là làm tốt nhất về nội dung, tất cả khối dịch vụ sở trường, thế mạnh cần được mở rộng.
“Một dạng đa dạng nguồn thu khác đó là hội thảo và toạ đàm, chúng tôi cũng đã đấu thầu quốc tế để tổ chức được các hội thảo quốc tế. Tận dụng dữ liệu để làm thêm báo nói, cầu truyền hình…”, bà Nga nói.
Tại báo Người Lao động, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân cho rằng nhanh, hay, chính xác, chắc hẳn nhiều tờ báo làm được, nhưng trách nhiệm và nhân văn đã giúp chúng tôi tạo ra uy tín và nhận được tình cảm từ xã hội. Chúng tôi luôn làm một cách nhân văn, tử tế, có giá trị trong bối cảnh các kênh mạng xã hội nhiễu thông tin…
“Thay vì là đối thủ cạnh tranh, các cơ quan báo chí cần trở thành đối tác hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh khó khăn hiện nay, 'muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", nhà báo Tô Đình Tuân bày tỏ.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng chúng ta bàn nhiều về đa dạng hoá nguồn thu trong bối cảnh hiện tại, thì không thể nào cứ làm báo theo cách cũ, chúng ta phải thay đổi. Cơ hội tăng nguồn thu không đến với tất cả mọi người, mà chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra cho mình.