May 09, 2021 | 19:32 GMT+7

Tăng gấp đôi trong 1 năm, giá đồng nói lên điều gì về kinh tế toàn cầu?

An Huy -

Giá đồng đang tăng với tốc độ chóng mặt, phản ánh sự phục hồi kinh tế toàn cầu và xu hướng dịch chuyển sang năng lượng sạch...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá đồng thế giới thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong tuần này, nối tiếp xu hướng tăng mạnh mẽ đưa giá kim loại công nghiệp này tăng gấp đôi trong vòng 1 năm trở lại đây.

Kỷ lục gần đây nhất của giá đồng được thiết lập vào năm 2011 - ở giai đoạn đỉnh điểm của siêu chu kỳ giá nguyên vật liệu thô. Siêu chu kỳ đó là kết quả của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, vươn lên vị trí siêu cường và đòi hỏi một lượng hàng hoá cơ bản khổng lồ làm nguyên liệu đầu vào.

Lần này, giới đầu tư đang đặt cược rằng vai trò đặc biệt quan trọng của đồng trong cuộc dịch chuyển của thế giới sang năng lượng sạch sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ đồng tăng mạnh và giá đồng sẽ còn cao hơn nữa. Trong phiên giao dịch ngày 7/5 tại thị trường London, giá đồng có lúc đạt 10.440 USD/tấn, phá vỡ kỷ lục cách đây 1 thập kỷ.

GIÁ ĐỒNG - THƯỚC ĐO SỨC KHOẺ KINH TẾ TOÀN CẦU

Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, kim loại đồng luôn giữ một vai trò then chốt trong những bước tiến văn minh quan trọng nhất: từ những hệ thống tiền tệ đầu tiên cho tới đường ống cấp nước ở các thị trấn, từ sự nổi lên của tàu hoả, máy bay và ô tô cho tới những thiết bị và mạng lưới của kỷ nguyên thông tin.

Kim loại có sắc đỏ này gần như vô địch về khả năng dẫn nhiệt và dẫn điện, đồng thời cũng rất bền và dễ xử lý. Ngày nay, đồng được sử dụng trong tất cả mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp nặng, xây dựng và sản xuất, đồng nghĩa với việc diễn biến giá đồng là một chỉ báo cực kỳ đáng tin cậy về những xu hướng của kinh tế toàn cầu.

Thị trường đồng là một trong những thị trường đầu tiên phản ứng khi Covid-19 nổi lên ở Vũ Hán, với giá đồng giảm hơn 1/4 trong thời gian chỉ từ tháng 1 đến tháng 3 năm ngoái. Sau đó, khi những biện pháp chưa từng có tiền lệ mà Trung Quốc triển khai để chống đại dịch phát huy tác dụng, giá đồng nhanh chóng bật tăng trở lại. Kể từ đó, xu hướng tăng của giá đồng chưa hề đứt đoạn.

Không chỉ Trung Quốc giữ vai trò động lực cho sự tăng giá của đồng. Nước này chiếm một nửa nhu cầu tiêu thụ đồng của thế giới và giữ một vai trò chủ chốt trong xu hướng tăng giá đồng.  Nhưng dù nhu cầu đồng của Trung Quốc suy yếu trong năm nay, giá đồng vẫn tiếp tục leo thang. Điều này xuất phát từ những tín hiệu hồi phục của các nền kinh tế công nghiệp lớn khác - bao gồm sản lượng ngành sản xuất tăng vọt ở những nước như Mỹ, Đức và Nhật Bản.

Tuy nhiên, lý do chính để giới đầu tư đổ xô mua đồng lại là một sự đặt cược khác. Họ tin rằng những nỗ lực cắt giảm khí thải carbon toàn cầu đồng nghĩa với việc thế giới sẽ cần thêm rất nhiều đồng, gây sức ép lên nguồn cung. Trong khi đó, tìm kiếm những mỏ đồng mới là một việc rất khó khăn, và đưa một mỏ mới vào khai thác cũng là một việc vô cùng tốn kém.

Ô tô điện sử dụng lượng đồng lớn gấp khoảng 4 lần so với một chiếc xe chạy động cơ đốt trong thông thường. Ngoài ra, các trạm xạc xe điện sử dụng nhiều dây dẫn điện bằng đồng. Việc dẫn điện từ các trang trại điện gió vào lưới điện quốc gia cũng đòi hỏi nhiều đồng.

Các chính phủ trên thế giới gần đây công bố những kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng đầy tham vọng, trong đó đều bao gồm hoạt động xây dựng hoặc năng lượng sạch hoặc cả hai.

NHỮNG CÂU HỎI QUANH VIỆC GIÁ ĐỒNG LEO THANG

Vậy giá đồng tăng có khiến những sản phẩm sử dụng đồng trở nên đắt đỏ hơn?

Câu trả lời là có. Những tháng gần đây, các nhà sản xuất đã tăng giá bán những mặt hàng như điều hoà và tủ lạnh, đồng thời cảnh báo rằng giá những sản phẩm này sẽ còn tăng thêm.

Tuy nhiên, hàm lượng đồng sử dụng trong những sản phẩm tiêu dùng phức tạp là tương đối nhỏ, nên việc giá đồng tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua sẽ không gây “thủng ví” người tiêu dùng nhiều như trong trường hợp giá thực phẩm và xăng dầu tăng với tốc độ tương tự. 

Các chính phủ - khi triển khai những gói chi tiêu khổng lồ - có lẽ cũng không lo ngại quá nhiều về sự tăng giá của đồng. Nhưng với giá các hàng hoá cơ bản khác cũng tăng mạnh, chính phủ sẽ phải chi nhiều hơn để mua những mặt hàng lớn như turbin gió.

Diễn biến giá đồng giao sau trên sàn LME ở London. Đơn vị: USD/tấn.
Diễn biến giá đồng giao sau trên sàn LME ở London. Đơn vị: USD/tấn.

Giá đồng tăng cao sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế toàn cầu?

Đang xuất hiện nhiều lo ngại rằng sự tăng giá trên diện rộng của nguyên vật liệu thô, từ gỗ tới thép và đồng, sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải vào cuộc để ngăn nguy cơ lạm phát giá hàng hoá cơ bản vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trong trường hợp đó, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ - động lực cho xu hướng leo thang của giá nguyên vật liệu thô - có thể khựng lại trong môi trường lãi suất tăng, tỷ suất lợi suất của các doanh nghiệp suy giảm, và nhu cầu tiêu dùng yếu đi.

Một câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và cả các nhà giao dịch ở Phố Wall, là liệu đợt tăng giá trên diện rộng này của nguyên vật liệu thô chỉ là tạm thời hay là bền vững?

Giá đồng và các nguyên vật liệu thô khác sẽ sớm hạ nhiệt?

Trong trường hợp của đồng, đã có dấu hiệu cho thấy nhu cầu trên thị trường đồng giao ngay đã bắt đầu dịu đi, đặc biệt là ở Trung Quốc. Một số nhà phân tích và nhà giao dịch nói rằng giá đồng kỷ lục không phù hợp với các yếu tố căn bản của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

Quan điểm của các quan chức Fed là sự tăng giá hàng hoá cơ bản chỉ là tạm thời, vì khi nền kinh tế mở cửa trở lại, người tiêu dùng sẽ chi nhiều hơn vào các dịch vụ và trải nghiệm. Khi đó, sức ép nhu cầu ở những sản phẩm sử dụng nhiều hàng hoá cơ bản làm đầu vào như ngôi nhà thứ hai, hàng điện tử và thiết bị gia dụng sẽ giảm xuống. Đây là những mặt hàng được mua nhiều trong thời gian đại dịch, khi người tiêu dùng không có cơ hội sử dụng các dịch vụ.

Nhưng đối với giá đồng, câu chuyện không chỉ nằm ở nhu cầu của thời điểm hiện tại. Trên thực tế, một phần lớn nhu cầu kỳ vọng trong lĩnh vực năng lượng tái sinh và ô tô điện vẫn chưa trở thành hiện thực. Khi trở thành hiện thực, nhu cầu đó sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mức độ sử dụng đồng ở các quốc gia như Đức và Mỹ.

Giá đồng có thể tăng cao đến đâu?

Trafigura Group, công ty giao dịch đồng lớn nhất thế giới, và ngân hàng Goldman Sachs đều dự báo giá đồng sẽ lên 15.000 USD/tấn trong mấy năm tới, do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh trong xu hướng dịch chuyển sang năng lượng sạch. Ngân hàng Bank of America thậm chí cho rằng giá đồng có thể đạt 20.000 USD nếu xuất hiện căng thẳng bên phía nguồn cung.

Ngoài ra, trên thị trường đồng cũng có thể diễn ra một cuộc dịch chuyển lớn. Trafigura dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ đồng ở Trung Quốc sẽ bị lấn át bởi đà tăng ở phần còn lại của thế giới trong thập kỷ tới. Đây sẽ là một sự đảo ngược xu hướng của những năm gần đây và có thể dẫn tới một “siêu chu kỳ” mới trên thị trường đồng, đẩy giá lên cao hơn trong những năm sắp tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate