May 26, 2023 | 18:30 GMT+7

Tăng giá điện sinh hoạt do EVN lỗ kéo dài là chưa phù hợp

Nhật Dương -

Cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Cử tri cũng đề nghị làm rõ có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất hay không…

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh - Quochoi.vn.

Tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 26/5, đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã nêu những băn khoăn nhiều lần của cử tri về việc tăng giá điện, song chưa được giải quyết.

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, trước kỳ họp thứ 5, cử tri tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá điện.

Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, hiện nay giá bán điện sinh hoạt cho người dân áp dụng phương pháp tính giá 6 bậc, nếu áp dụng thống nhất một giá bán điện sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và bảo đảm được quyền và lợi ích của người dân.

Cử tri đã đề nghị Bộ Công thương chủ trì, đánh giá, xem xét lại phương pháp tính giá điện sinh hoạt của người dân theo hướng quy định thống nhất một bậc. Kiến nghị trên đã được Bộ Công thương có văn bản số 1288 ngày 13/3/2023 trả lời.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã nghiên cứu phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng cũng đã giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 28 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định tại thời điểm phù hợp.

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát và kinh tế dần phục hồi, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu và có báo cáo gửi Bộ Công thương về đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt, trong đó có đề xuất 3 phương án rút gọn từ 6 bậc xuống thành 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc…

Bộ Công thương sẽ lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán điện và sẽ tiếp tục đề nghị sửa đổi Quyết định số 28 theo quy trình, quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, đến ngày 4/5/2023, biểu giá điện sinh hoạt kèm theo Quyết định 1062 của Bộ Tài chính vẫn không có sự thay đổi so với cách tính giá bán điện trước đây, vẫn thực hiện 6 bậc của giá điện tương ứng với số kWh điện sử dụng trên tháng.

Giá điện sinh hoạt bậc 1 vẫn tính là từ 50 kWh trở xuống, bậc 2 từ trên 50 kWh đến 100 kWh điện sử dụng trên tháng, giá bán điện cao nhất là 3.015 đồng/kWh, chưa tính thuế giá trị gia tăng. Đến nay, Quyết định số 28 cũng chưa được sửa đổi như ý kiến của cử tri đề nghị.

“Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Do đó, cử tri đề nghị cần được xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt.

Cần báo cáo rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành điện sản xuất, giải pháp cung cầu điện có đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hay không”, Đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ý kiến.

Từ kiến nghị của cử tri, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo rõ để cử tri được biết việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt.

“Việc chọn thời điểm tăng giá điện khi doanh nghiệp khó khăn, nắng nóng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của người dân tăng lên có phù hợp không? Cần làm rõ có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không, kết quả thực hiện sắp xếp tinh giản bộ máy biên chế của Tập đoàn Điện lực Việt Nam…”, đại biểu tỉnh Quảng Ninh kiến nghị.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm có giải pháp cân đối cung cầu điện trong thời gian tới, đồng thời làm rõ vì sao các dự án tái tạo đã đầu tư đến nay chưa được hòa lưới điện, phương pháp sử dụng điện tái tạo như thế nào trong khi vẫn đang nhập khẩu điện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate