Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 377 về việc điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ điện bình quân. Như vậy, sau bốn năm kiềm chế, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức hiện hành là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm VAT) lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa gồm VAT), tức là tăng thêm 55,9 đồng/kWh (tương ứng 3%).
GIẢM THIỂU TỐI ĐA TÁC ĐỘNG
Theo tính toán của EVN, với việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50kW giờ/tháng là 2.500 đồng/hộ (năm 2022, có 3,33 triệu hộ sử dụng điện tới 50kW giờ/tháng, chiếm 11,98% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ tới 100kW giờ/tháng là 5.100 đồng/hộ (năm 2022, có 4,7 triệu hộ sử dụng điện từ 51 đến 100kW giờ/tháng, chiếm 16,85%).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ tới 200kW giờ/tháng là 11.100 đồng/hộ (có hơn 10,04 triệu hộ, chiếm tỷ trọng lớn nhất-hơn 36%).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ tới 300kW giờ/tháng là 18.700 đồng/hộ (có 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81%).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ tới 400kW giờ/tháng là 27.200 đồng/hộ (2,21 triệu hộ, chiếm 7,95%).
Trong cơ cấu khách hàng sử dụng điện, có khoảng 528.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi khách hàng trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá điện, mỗi hộ sẽ trả thêm 141.000 đồng/tháng.
Với 1,822 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi hộ này trả 10,6 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá, mỗi hộ trả thêm 307.000 đồng/tháng. Có 662.000 khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi khách hàng này trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng; sau khi thay đổi giá, mỗi hộ này sẽ trả thêm 40.000 đồng/tháng.
Về tác động của việc tăng giá điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết trong quá trình triển khai, EVN cũng chia sẻ các khó khăn với doanh nghiệp, người dân để giảm thiểu tác động lên sản xuất, kinh doanh và đời sống ở mức ít nhất.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá điện tăng 5% sẽ kéo theo CPI tăng 0,17%. Hiện nay, mức tăng giá điện là 3%, tác động lên CPI sẽ rất nhỏ. Nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%...
Tuy mức tăng giá điện không lớn, nhưng cũng sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Đối với doanh nghiệp sản xuất, trong bối cảnh đơn hàng ít, xuất khẩu giảm, việc tăng giá điện sẽ khiến mọi nỗ lực giảm giá thành và duy trì việc làm cho người lao động trở nên khó khăn hơn.
Còn với người tiêu dùng, mỗi tháng phải trả thêm từ 2.500 đồng - 27.200 đồng/hộ là số tiền không lớn, nhưng nếu các dịch vụ, hàng hóa khác cũng tăng theo giá điện thì chi phí sinh hoạt sẽ bị đẩy lên cao và sẽ trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, việc giá điện tăng 3% cho thấy, các cơ quan liên quan đã thực hiện nghiêm túc, điều hành giá điện không “giật cục”, có lộ trình, bảo đảm ổn định tình hình chính trị, xã hội, hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và người dân. Việc tăng giá điện không nhiều nên tác động đến nền kinh tế và người dân là thấp hơn. Tuy nhiên, lưu ý tình trạng “té nước theo mưa”, các loại hàng hóa dịch vụ sẽ tăng theo giá điện.
Vì thế, Nhà nước phải có chính sách tổng thể về bình ổn mặt bằng giá. Theo đó, cần yêu cầu tất cả những doanh nghiệp phải đăng ký giá, những doanh nghiệp Nhà nước còn định giá, doanh nghiệp phải kê khai giá báo cáo chi tiết giá thành sản xuất, kinh doanh. Điều này nhằm tránh tình trạng giá điện tăng bao nhiêu thì bị lợi dụng tăng bấy nhiêu, lợi dụng thêm việc tăng giá điện để tăng giá là lôi kéo những mặt hàng ở ngoài thị trường tăng theo, gây áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
CẦN LÀM RÕ KHOẢN LỖ CỦA EVN
Liên quan đến giá điện, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 9/5 vừa qua, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tăng giá này của EVN khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.
Cơ quan này cũng chỉ ra điểm không hợp lý trong cơ cấu giá của Bộ Công Thương, đó là giá điện sinh hoạt vẫn bù chéo cho sản xuất, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tức là giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xem xét, thay đổi.
“Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái”, Ủy ban Kinh tế nêu rõ, đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN và sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn, được thể chế hóa trong các chiến lược, cơ chế khuyến khích phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này còn khó khăn khi điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá; Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện 8 chậm ban hành.
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ thêm vấn đề, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án nguồn cung than, khí phục vụ sản xuất và vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2023 phát hành ngày 15-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam