Nhiều năm nay giá than Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) bán cho ngành điện đều thấp hơn giá thành. Do vậy, đơn vị này đề nghị tăng giá bán là điều tất yếu.
Đó là khẳng định của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) trước đề nghị tăng giá bán than cho ngành điện của TKV.
TKV vừa có công văn gửi Bộ Tài chính, Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị sẽ tăng giá bán than cho sản xuất điện thêm khoảng 17%. Thời gian áp dụng là từ 1/1/2010. Với vai trò của người đứng đầu VEA, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngành điện hiện đang là khách hàng lớn nhất của ngành than. Mỗi năm nhiệt điện sử dụng khoảng 10 triệu tấn than cám từ 4b tới cám 6b.
Theo tổng sơ đồ điện VI đã được Chính phủ phê duyệt, hết tổng sơ đồ VI nguồn nhiệt điện bổ sung thêm cho lưới điện quốc gia là khoảng 13.800 MW. Như vậy, lượng than ngành điện sử dụng những năm tới sẽ rất lớn.
Tuy nhiên, từ trước tới nay ngành than luôn bán than cho ngành điện thấp hơn giá thành. Do đó việc tăng giá than bán cho ngành điện là cần thiết và chủ trương này cũng đã được Chính phủ thông qua.
Như vậy, ông cho rằng mức tăng ngay 17% như TKV đề xuất là có thể chấp nhận?
Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì cả chục năm nay ngành than khá “thiệt thòi” khi luôn bán than cho ngành điện với giá chỉ khoảng 1/2 giá thị trường. Vì vậy, mức tăng như TKV đề nghị cũng không phải là quá cao.
Nhưng tăng giá than sẽ khiến giá điện tăng theo và đời sống của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng nên việc tăng này cần phải có lộ trình. Theo tôi, trong năm 2010, TKV chỉ nên tăng khoảng 10% sau đó tiếp tục điều chỉnh cho đến khi tiệm cận với giá thị trường.
Hiện nay đã có không ít ý kiến cho rằng, rất khó có thể biết được chính xác giá thành sản xuất của TKV nên mức tăng đề xuất của đơn vị này có thể là chủ quan. Ý kiến của ông như thế nào, thưa ông?
Giá thành sản xuất của TKV, Kiểm toán Nhà nước có thể kiểm tra. Bộ Tài chính cũng có thể tính toán được. Cơ sở của giá chính là các yếu tố cấu thành nên sản phẩm như: Lương công nhân, khấu hao máy móc, mua sắm thiết bị, các loại thuế khác... Do đó, TKV hoàn toàn không “bốc thuốc” khi đưa ra mức đề xuất tăng giá nêu trên.
Trên thực tế, hiện nay TKV chỉ có lãi đối với các loại than cám tốt đang xuất khẩu là cám 2, cám 3, than đá….
Thêm nữa, tuy TKV là đơn vị duy nhất cung cấp than cho ngành điện, nhưng ở đây không có sự độc quyền vì giá bán than cho ngành điện là do Chính phủ quy định.
Giá than bán cho ngành điện tăng sẽ làm tăng giá điện. Kéo theo điều này các loại hàng hóa khác sẽ phải tăng giá, lạm phát trong năm 2010 sẽ cao. Ông nghĩ sao?
Giá điện sẽ phải tăng tương ứng với mức tăng của giá than. Nếu giá than tăng 10%, giá điện cũng sẽ tăng khoảng chừng đó.
Điện tăng sẽ làm cho nhiều hàng hóa, dịch vụ khác sẽ tăng theo, khiến lạm phát cao. Vì vậy, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính là hai cơ quan giúp việc của Chính phủ cần phải xem xét để đưa ra mức tăng hợp lý nhất.
Theo quan điểm của tôi, việc tăng giá than và giá điện là cần thiết tuy nhiên cần phải có lộ trình. Vì nếu lợi nhuận quá ít, hai ngành này sẽ không thể có tích lũy để tái đầu tư. Trong khi đó mỗi năm, các ngành này đều cần nguồn vốn tới vài chục tỷ USD để phát triển. Khi muốn vay vốn các tổ chức tiền tệ lớn như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều phải có vốn đối ứng tương đương với các khoản vay.
Năm nay, do hạn hán, thủy điện sẽ phải giảm lượng điện năng cung cấp, phần thiếu hụt này nhiệt điện sẽ phải gánh vác. Trong khi đó, chi phí để sản xuất 1kWh điện bằng dầu là khoảng 2.000 đồng (tương đương 7-8 cent), nhưng giá bán hiện nay chỉ là 6 cent. Như vậy, ngành điện cũng đang phải bù lỗ rất nhiều.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate