June 22, 2021 | 11:48 GMT+7

Tăng hơn 7%, áp lực tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm là không nhỏ

Anh Nhi -

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2021 6%, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm phải đạt trên 7%. Đây là thách thức không nhỏ trong khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và đang tác động mạnh tới những “đầu tàu” dẫn dắt tăng trưởng...

Nâng tỷ lệ dân số được tiêm vaccine để ổn định sản xuất, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Nâng tỷ lệ dân số được tiêm vaccine để ổn định sản xuất, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.

Nhiều dự báo mới được công bố gần đây cho thấy triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 vẫn khá tích cực.

NHIỀU NHẬN ĐỊNH LẠC QUAN VỀ TĂNG TRƯỞNG GDP

Cụ thể, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực.

Tại báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,6% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất được dự báo cho các nước trong khu vực ASEAN.

Hay Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics cũng đánh giá rất cao về tốc độ hồi phục kinh tế của Việt Nam. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể đạt mức 7,6% và là nền kinh tế có tốc độ hồi phục hàng đầu khu vực.

Còn theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm và tăng trưởng GDP cả năm 2021 có thể đạt mức từ 6,1% - 6,3%.  “Tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19, song khả năng vẫn đạt tăng trưởng từ 6,1-6,3% cho cả năm 2021 khi so sánh với nền thấp của năm ngoái”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Cùng quan điểm, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cũng lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2021. “Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm sẽ lạc quan hơn khi cơ hội xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu...”, PGS.TS.Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong 5 tháng qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may...  Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi.

Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.

Tăng hơn 7%, áp lực tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm là không nhỏ - Ảnh 1

“Tính riêng tháng 5/2021, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 369 triệu USD; trong đó nhập siêu từ Trung Quốc 23,2 tỷ USD, tăng 87,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 12 tỷ USD, tăng 23,1%; nhập siêu từ ASEAN 6,6 tỷ USD, tăng 171,6%. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày đã có đơn hàng tới hết quý 3, quý 4 năm nay, nhập khẩu tăng là tất yếu”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Điều đáng nói, dù làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng sản xuất trong nước vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, hiện tăng gần 10% và có thể đạt mức 17-18% trong các tháng cuối năm nhờ sự phục hồi của cầu tiêu dùng từ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

NHƯNG KHÓ KHĂN VẪN "BỦA VÂY"

Mặc dù triển vọng là khá tích cực song để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine còn hạn chế.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng điều quan trọng lúc này là Việt Nam vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh để từ đó hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi các bộ, ngành, địa phương mới đây đã nhận định: cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 94%) nên đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, khu vực doanh nghiệp đang bị “bủa vây” bởi 8 vấn đề chính. Thứ nhất, đơn hàng/hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của tất cả các doanh nghiệp đều giảm. Thứ hai, doanh thu doanh nghiệp giảm. Thứ ba, giá thành sản xuất hàng hóa tăng do chi phí đầu vào, chi phí lưu thông tăng trong khi giá bán hàng giảm. Thứ tư, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn. Thứ năm, khó khăn trong việc vay, trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi. Thứ sáu, khó khăn trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị. Thứ bảy, lưu thông hàng hóa khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa các tỉnh, thành phố do có sự kiểm soát không thống nhất giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Và thứ tám là khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do các điều kiện khắt khe, không hợp lý, quy định hướng dẫn còn chung chung và nhiều điểm chưa rõ ràng, bất cập.

 
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng 6 tháng cuối năm đều phải trên mốc 7%. Đây là một con số rất áp lực trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Trong đó, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch Covid-19. Theo phản ánh của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp trong ngành không hoạt động, còn lại 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động, đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hiện 60-90% nhân sự của doanh nghiệp đang nghỉ việc không lương.

VƯỢT "BÃO" COVID-19

Vì vậy, trong bối cảnh này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng bên cạnh việc rà soát, sửa đổi một số quy định tại các chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận,  Bộ đề xuất Chính phủ kéo dài, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đến hết năm 2021.  “Cùng với đó, khẩn trương bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các chính sách thuế như miễn, giãn, hoãn, khoanh thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho doanh nghiệp; giảm tối thiểu 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020 cho các doanh nghiệp và xem xét tiếp cho năm 2021... Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp được hoãn đóng kinh phí công đoàn 2%, hoặc giảm 50% mức phí (còn 1%) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn vốn hoặc doanh thu bị hạn chế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu kiến nghị.

Trong khi đó, để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân và giữ cho dịch bệnh không lây lan vào các doanh nghiệp, các khu công nghiệp. “Đẩy mạnh tiêm chủng và giữ cho dịch không bùng phát là nhân tố quan trọng để tăng trưởng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, số người được tiêm chủng ở Việt Nam vẫn khá thấp. Điều này đặt ra thách thức trong việc thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Việt Nam.

“Từ nay đến cuối năm, ít nhất chúng ta phải đạt được 30% dân số được tiêm chủng, sang năm 2022 tiếp tục để có thể 70-80% dân số được tiêm vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng, có như vậy mới có thể khống chế được dịch bệnh để ổn định sản xuất”, TS.Nguyễn Trí Hiếu nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate