October 15, 2024 | 12:05 GMT+7

Tăng là xả, cổ phiếu lũ lượt đảo chiều giảm

Kim Phong -

Thị trường tiếp tục diễn biến rất thất vọng khi lại một lần nữa VN-Index leo lên 1294 điểm rồi “rơi tự do”. Nhóm cổ phiếu “họ Vin” tạm nghỉ và một số mã ngân hàng nổi lên thay nhưng không đủ nâng đỡ chỉ số. Cổ phiếu đảo chiều đổi màu cả loạt cho thấy có hiện tượng tranh thủ bán ra khi giá tăng trên diện rộng...

Điểm tích cực sáng nay là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt nhất hầu hết vẫn xanh.
Điểm tích cực sáng nay là nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt nhất hầu hết vẫn xanh.

Thị trường tiếp tục diễn biến rất thất vọng khi lại một lần nữa VN-Index leo lên 1294 điểm rồi “rơi tự do”. Nhóm cổ phiếu “họ Vin” tạm nghỉ và một số mã ngân hàng nổi lên thay nhưng không đủ nâng đỡ chỉ số. Cổ phiếu đảo chiều đổi màu cả loạt cho thấy có hiện tượng tranh thủ bán ra khi giá tăng trên diện rộng.

VN-Index kết phiên sáng đã giảm 0,01 điểm, mức giảm không đáng kể nhưng vẫn là thất bại vì đỉnh cao nhất giữa phiên chỉ số tăng 7,7 điểm. Đã có hiện tượng xoay trụ khi VHM quay đầu giảm 0,88%, VIC giảm 0,47%, VRE giảm 0,78% sau những ngày tăng tích cực. Nổi lên là BID tăng 1,82%, CTG tăng 0,83%, VIB tăng 1,05%. Tiếc rằng hiện tượng này chỉ đủ để duy trì màu xanh cho VN30-Index nhờ vốn hóa của nhóm ngân hàng lớn hơn ở chỉ số này.

Tín hiệu bất lợi là “thói quen” bán ra khi VN-Index lên sát mốc 1300 điểm đang ngày vàng rõ. Thời điểm cuối tháng 9 vừa qua cũng có liên tiếp 4 phiên lực xả xuất hiện trong vùng đỉnh này ép giá tụt dần trong phiên. Hiện thị trường cũng đã có 3 phiên tương tự. Độ rộng sáng nay phản ánh chiến lược “bán ngàn ba” lan rộng: Tại thời điểm VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 10h ghi nhận 205 mã tăng/104 mã giảm. Đến 11h còn 118 mã tăng/209 mã giảm và kết phiên sáng là 108 mã tăng/232 mã giảm.

Tuy vậy nhờ có biên độ tăng khá tốt trong nửa đầu phiên, thời gian trượt giảm ở nửa sau chưa đủ để khiến cổ phiếu rơi quá sâu. Thống kê cho thấy trong 232 mã đỏ của VN-Index mới có 57 mã giảm hơn 1%, phần lớn là thanh khoản rất thấp. Chỉ 14 mã trong số này có giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên và tổng thanh khoản 57 mã 15,6% giá trị khớp lệnh sàn HoSE. 5 giao dịch lớn nhất là DIG với 321,5 tỷ đồng, giá giảm 5,41%; PDR với 160,3 tỷ, giá giảm 2,87%; DXG với 143,3 tỷ, giá giảm 2,64%; PVD với 104,6 tỷ giá giảm 2,03%; TCH với 82,9 tỷ, giá giảm 2,13%. Có thể thấy nhóm cổ phiếu bất động sản chiếm khá nhiều ở nhóm thanh khoản cao và giá rơi sâu nhất.

Phía tăng giá rất kém, hơn hai phần ba số xanh chỉ có mức tăng nhẹ dưới 1%. Số tăng trên 1% (33 mã) cũng không nhiều cổ phiếu đáng chú ý và không mang tính đại diện. Trừ hai mã ngân hàng xuất sắc nhất là BID và VIB, lác đác vài cổ phiếu nổi hơn phần còn lại là VPH tăng 6,89% thanh khoản 15 tỷ; SCS tăng 1,43% với 30,6 tỷ; KHG tăng 1,35% với 15,7 tỷ; PAN tăng 1,02% với 18,8 tỷ.

Tăng là xả, cổ phiếu lũ lượt đảo chiều giảm - Ảnh 1

Mặc dù đại đa số cổ phiếu cũng như thanh khoản sàn HoSE sáng nay tập trung ở nhóm dao động hẹp nhưng tính về mức độ thiệt hại, diễn biến trượt giá vẫn có rủi ro. Thống kê có khoảng 44% số cổ phiếu phát sinh giao dịch sáng nay đã trượt giảm hơn 1%. Điều này một lần nữa thể hiện rủi ro khi đua giá sát đỉnh 1300 điểm. Diễn biến lặp lại quá nhiều lần tất yếu dẫn đến một thói quen cũng như chiến lược đầu cơ. Điểm an ủi duy nhất là việc điều chỉnh trên vùng giá xanh chưa phải là quá tệ, nhiều cổ phiếu thu hút được dòng tiền tốt vẫn đang nỗ lực tìm cân bằng. Ví dụ sàn HoSE đang có 23 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên (nhóm này chiếm 62% tổng giá trị khớp của sàn) thì chỉ có 8 mã giảm. Đây là các cổ phiếu có mức thanh khoản đáng tin cây nhất về cung cầu. Giao dịch hai sàn niêm yết sáng nay sụt giảm nhẹ 5% về thanh khoản so với sáng hôm qua, đạt 8.199 tỷ đồng. HoSE giảm hơn 6% với gần 7.226 tỷ.

Nhà đầu tư nước ngoài đang duy trì mức bán ròng khá lớn, rút 390,6 tỷ đồng trên sàn HoSE. FPT vẫn đang bị xả nhiều nhất với 66,7 tỷ đồng, tiếp đến là VPB -66 tỷ, VNM -44,9 tỷ, MWG -34,9 tỷ, DBC -23,6 tỷ, VCB -21,9 tỷ. Phía mua bất ngờ có MSN +71,3 tỷ, còn lại đều không đáng kể.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate