Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành văn bản hợp nhất số 4804/VBHN-BLĐTBXH - Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Văn bản này được hợp nhất từ 3 nghị định là: Nghị định số 75/2021/NĐ-CP; Nghị định số 55/2023/NĐ-CP và Nghị định số 77/2024/NĐ-CP.
Theo đó, thống nhất từ ngày 1/7/2024, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng. Mức chuẩn này làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Văn bản hợp nhất cũng quy định các chế độ ưu đãi, trong đó thực hiện đóng bảo hiểm y tế cho người có công với cách mạng, thân nhân và người phục vụ người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Cùng với đó là chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe dành cho người có công với cách mạng thực hiện từ ngày 1/1/2025. Cụ thể, điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà có mức chi bằng 0,9 lần mức chuẩn/người/lần và được chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung có mức chi bằng 1,8 lần mức chuẩn/người/lần.
Nội dung chi bao gồm: tiền ăn trong thời gian điều dưỡng; thuốc thiết yếu; quà tặng cho đối tượng; tham quan; các khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho đối tượng trong thời gian điều dưỡng (mức chi tối đa 10% mức đi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung), gồm: khăn mặt, xà phòng, bàn chải, thuốc đánh răng, chụp ảnh, tư vấn sức khỏe, phục hồi chức năng, sách báo, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các khoản chi khác phục vụ đối tượng điều dưỡng.
Người có công cũng được hưởng các chế độ ưu đãi khác như: Trợ cấp mai táng có mức chi theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội về trợ cấp mai táng; trợ cấp thờ cúng liệt sĩ 1,4 triệu đồng/liệt sĩ/năm.
Chi tiền ăn thêm ngày lễ, Tết đối với thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên: Mức chi 200.000 đồng/người/ngày; số ngày được chi ăn thêm là ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định của Bộ luật Lao động, ngày 27/7 và ngày 22/12 hằng năm.
Người có công với cách mạng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở nuôi dưỡng của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội được hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe như: Hỗ trợ thuốc, điều trị và phục hồi sức khỏe tại cơ sở nuôi dưỡng, mức tối đa 8,5 triệu đồng/người/năm.
Họ cũng được hỗ trợ điều trị tại các cơ sở y tế để thanh toán chi phí điều trị, thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và các chi phí liên quan không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế thì được thanh toán theo hóa đơn, chứng từ thực tế.
Trường hợp người có công đang nuôi dưỡng tại cơ sở về thăm gia đình mà tự túc phương tiện vận chuyển, thì được hỗ trợ tối đa 1 lần/1 năm (bao gồm tiền đi lại và tiền ăn) cho bản thân đối tượng và 1 người thân đi cùng (nếu có) từ cơ sở nuôi dưỡng đến gia đình, quê quán người có công, và theo chiều ngược lại.
Mức hỗ trợ tiền ăn 100.000 đồng/người/lượt; hỗ trợ tiền đi lại mức 3.000 đồng/km/người theo quãng đường, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/đối tượng và người thân/năm...