Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại Văn bản số 12080/BGTVT-BKHĐT ngày 18/11/2022, Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 8216/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.
Cùng với đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch đầu tư phương tiện, thiết bị đảm bảo hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa liên vận quốc tế.
Theo đó, "Bộ Giao thông vận tải cần khẩn trương lập các quy hoạch theo quy định để cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2030; chịu trách nhiệm toàn diện về việc cho phép một số ga đường sắt được tạm khai thác hoạt động liên vận quốc tế", Phó Thủ tướng đề nghị.
Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan phối hợp thực hiện phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải chính thức có công văn trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.
Mục tiêu chính của phương án này là nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, hàng đi tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm.
Trong công văn trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cho biết quá trình đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng khu ga đường sắt sẽ được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ năm 2022 - 2025, Bộ Giao thông vận tải sẽ huy động khoảng 3.500 tỷ đồng từ ngân sách để tập trung nâng cấp 7 ga đường sắt liên vận quốc tế hoặc được quy hoạch là ga liên vận quốc tế, gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần.
Hiện tại, trên các tuyến đường sắt phía Bắc, có 2 ga (Đồng Đăng, Vật Cách) đã cân đối được vốn, lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2024 với chi phí 470 tỷ đồng.
Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, 2 ga Kim Liên (Đà Nẵng) và Sóng Thần (Bình Dương) đã được lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 với kinh phí khoảng 2.300 tỷ đồng.
Các hạng mục chủ yếu được đầu tư, nâng cấp tại các ga này là cải tạo các kho hàng hiện hữu; xây mới bãi hàng container theo tiêu chuẩn mặt đường sân bay; bổ sung đường sắt trong ga, khu chỉnh bị đầu máy - toa xe.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng thông tin, đây là nhu cầu đầu tư tối thiểu để có thể nâng năng lực khai thác đường sắt liên vận quốc tế lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, trước khi ngành đường sắt nhận được nguồn lực lớn hơn.
Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các ga liên vận quốc tế trên 2 hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây theo quy hoạch, ưu tiên các ga Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Bắc Hồng, Yên Viên, Trảng Bom.
Trong 5 năm qua (giai đoạn 2017 - 2021), tốc độ tăng trưởng về sản lượng vận tải hàng hóa vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tăng trung bình 6%/năm. Trong đó, năm 2017 tăng 26%, năm 2021 tăng 31% so với năm 2020, đạt 1,13 triệu tấn, chiếm gần 20% tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa đường sắt cả nước.