Báo cáo Tổng cục Thống kê cho thấy 10 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách bằng đường sắt ước đạt 3,7 triệu hành khách (tăng ấn tượng 187,1%) và luân chuyển đạt 1,4 tỷ hành khách.km (tăng 140,2%) so với cùng kỳ năm trước. Còn vận chuyển hàng hóa giữ vững đà tăng, chuyên chở 4,8 triệu tấn (tăng 4,9%) và luân chuyển 3,8 tỷ tấn.km (tăng 19,6%) so với cùng kỳ năm trước.
VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CHỨNG KIẾN ĐÀ TĂNG TRƯỞNG "BÙNG NỔ"
Như vậy, trong các loại hình vận tải, hoạt động vận tải bằng đường sắt chứng kiến mức tăng trưởng vô cùng tích cực, cả về vận tải hành khách và hàng hóa so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao, ngành đường sắt gặt hái một mùa hè bội thu sau khi thắng lớn dịp 30/4 - 1/5, các doanh nghiệp vận tải đường sắt đều báo lãi sau 9 tháng đầu năm 2022 và doanh thu tăng mạnh, đặc biệt là doanh thu vận chuyển hành khách.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vừa công bố, tổng doanh thu cung cấp dịch vụ hàng hóa dịch vụ, doanh thu tài chính và thu nhập khác đạt hơn 1.760 tỷ đồng. Mức doanh thu này vượt 37% so với cùng kỳ 2021, tương đương tăng hơn 650 tỷ đồng.
Đáng nói, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 đảo chiều ngoạn mục, từ mức lỗ hơn 88 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, lên mức lãi hơn 35 tỷ đồng, với mức tăng gấp 3,5 lần, do tỷ lệ tăng doanh thu và thu nhập tăng mạnh 37%, trong khi tỷ lệ tăng chi phí thấp hơn là 31%.
Phân tích rõ hơn trong mức tăng doanh thu so với cùng kỳ, doanh thu cung cấp dịch vụ và hàng hóa góp công lớn nhất, với mức tăng gần 665 tỷ đồng; doanh thu cung hoạt động tài chính tăng 0,027 tỷ đồng và thu nhập khác giảm 13,820 tỷ đồng.
Lạc quan về tình hình kinh doanh 3 quý đầu năm, ban lãnh đạo công ty cho biết: “Sau hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân dần phục hồi làm cho sản lượng, doanh thu cung cấp hàng hóa dịch vụ tăng lên với giá trị tăng tương ứng gần 665 tỷ đồng”.
Về chi phí, so sánh với 9 tháng đầu năm 2021, tổng chi phí vận hành cũng tăng mạnh theo tỷ lệ tăng doanh thu tương ứng, lên tới 528 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tăng 31%.
Trong đó, giá vốn hàng bán tăng 497 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 25 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 6 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính giảm gần 3 tỷ đồng.
Cũng theo doanh nghiệp này, ngoài các yếu tố, khoản mục chi phí tăng, giảm tương ứng theo tỷ lệ tăng giảm sản lượng và doanh thu thì một số yếu tố, khoản mục chi phí như: chi phí khấu hao cơ bản tài sản cố định, chi phí thuê sử dụng đất, chi phí lãi vay các dự án đầu tư đã hoàn thành, chi chế độ người lao động (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn…) không thay đổi trong khi doanh thu cung cấp dịch vụ hàng hoá và thu nhập khác của công ty tăng 37% so với cùng kỳ.
Doanh thu vận tải hàng hóa của Vận tải đường sắt Hà Nội đạt gần 930 tỷ, tăng gần 200 tỷ so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 53% trong cơ cấu tổng doanh thu. Vận tải hành khách đạt gần 600 tỷ, tăng bùng nổ hơn 440 tỷ đồng (tăng mạnh 278%), với tỷ trọng 34%. Còn vận chuyển hành lý hơn 12 tỷ và từ hoạt động dịch vụ khác hơn 204 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết 9 tháng năm 2022, doanh thu vận chuyển hành khách, hàng hoá tăng trưởng tương đối tốt so với năm 2021, đạt khoảng 1.220 tỷ đồng.
Mặt khác, công ty tiết giảm tối đa các khoản chi tiêu, do đó, kết quả lợi nhuận sau thuế quý 3 ở mức gần 19 tỷ đồng, nâng mức lãi sau 3 quý đầu năm lên hơn 38 tỷ.
Trong đó, lãi từ vận chuyển hàng hóa khoảng 23 tỷ, từ vận chuyển hành khách khoảng 7 tỷ và từ các hoạt động dịch vụ khác hơn 8 tỷ.
Trong khi đó, cùng kỳ 9 tháng năm 2021, doanh thu Vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ đạt gần 650 tỷ; lợi nhuận sau thuế âm hơn 60 tỷ.
Lý giải kết quả kinh doanh khả quan trên, ngoài các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh vận tải hậu Covid và tiết giảm tối đa các khoản chi tiêu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn Thái Văn Truyền, khẳng định khi bước sang năm 2022, sau thời gian triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Chính phủ thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch phù hợp giúp cho cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái như trước đại dịch Covid-19.
Vì lẽ đó, các hoạt động du lịch, dịch vụ, thể thao, văn hoá – nghệ thuật trở lại bình thường, nhu cầu hành khách di chuyển bằng đường sắt gia tăng.
SỚM THOÁT LỖ, HỢP NHẤT ĐỂ CẢI THIỆN HIỆU QUẢ KINH DOANH
Nhìn lại bức tranh kinh doanh u ám năm 2021, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đạt doanh thu thuần đạt 893,58 tỷ đồng, giảm 28,7% so với năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty tiếp tục lỗ thêm 139 tỷ đồng, trước đó, năm 2020 ghi nhận lỗ tới 217 tỷ đồng.
Về phía Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội năm 2021, doanh thu bán hàng đạt 1.547 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2020. Công ty lỗ 121,6 tỷ đồng, cải thiện hơn so với năm 2020 lỗ tới 196 tỷ đồng.
Như vậy, rõ ràng đây là kết quả đáng mừng sau suốt 2 năm dài ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, khiến các doanh nghiệp vận tải đường sắt chìm sâu vào thua lỗ.
Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp vận tải đường sắt, dự kiến cả năm 2022 vẫn chưa thoát lỗ do hiện đang là mùa thấp điểm vận tải hành khách, sản lượng vận tải hàng hóa cũng giảm nhẹ do hàng hoá một phần chuyển sang các phương tiện vận chuyển khác khi giao thông hậu Covid-19 thuận lợi hơn.
Trong khi đó, doanh thu khả quan từ mùa cao điểm Tết Quý Mão 2023 tới đây sẽ tính vào kết quả sản xuất kinh doanh năm sau.
Dù vậy, kết quả kinh doanh cuối năm 2022 của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội được dự báo rất khả quan so với số lỗ dự kiến hơn 110 tỷ đồng đã được thông qua tại Đại hội cổ đông công ty đầu năm.
Tương tự, với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, dự kiến cả năm 2022 giảm lỗ đáng kể so với mức khoảng 77 tỷ theo kế hoạch Nghị quyết đại hội cổ đông thông qua đầu năm 2022, từ đó sớm thoát lỗ trong năm tiếp theo.
Rục rịch chuẩn bị cho mùa cao điểm sắp tới, ngành đường sắt chính thức mở bán rộng rãi vé tàu Tết Quý Mão 2023 từ ngày 25/10, với nhiều chương trình ưu đãi. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tiếp tục triển khai chương trình khuyến mãi 4.600 vé giảm giá 30% cho hành khách trong tháng 11/2022. Ngoài ra, trong tháng 11 và 12, công ty tiếp tục thực hiện bán giảm giá trọn phòng, trọn toa với mức giảm mua vé trọn phòng được giảm 10% giá vé, mua vé trọn toa được giảm 15% giá vé.
Tổng số chuyến tàu phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán năm 2023 là 356 chuyến cung cấp 176.046 chỗ. So với Tết 2022 tăng 130 chuyến, tương đương với 67.000 chỗ. Đặc biệt, Tết năm 2023, đường sắt không bán chuyển đổi giường tầng 1 khoang 4 thành ghế ngồi như các năm trước.
Ngoài ra, trong kế hoạch dài hơi, các doanh nghiệp đường sắt sẽ được cơ cấu lại hoạt động. Theo đó, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn dự kiến sẽ hợp nhất thành 1 công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Việc hợp nhất sẽ tăng cường tính chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, đầu tư vào vận tải hàng hóa, hành khách để khai thác nguồn lực xã hội về tài chính, công nghệ, thị trường và đặc biệt là quản trị. Hơn nữa, việc hợp nhất sẽ hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, kỳ vọng cải thiện hơn về hiệu quả sản xuất kinh doanh...