July 12, 2021 | 19:23 GMT+7

Tăng thời gian cách ly tại nhà lên 14 ngày với người đến từ TP.HCM

Thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ TP.HCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) từ 07 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 12/7, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh thời gian cách ly y tế tại nhà và xét nghiệm đối với người từ TP.HCM về địa phương.

Công văn nêu rõ, trong thời gian qua, số người từ TP.HCM về các địa phương có tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 tăng cao.

Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng đối với những người từ TP.HCM về địa phương, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung về việc tiếp nhận đối với người từ TP.HCM về địa phương.

Điều chỉnh tăng thời gian cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người từ TP.HCM (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) từ 07 ngày lên 14 ngày kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày tiếp theo. Đồng thời phải thực hiện xét nghiệm 03 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 13 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Những người tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc tại TP.HCM theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền không phải thực hiện cách ly y tế nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày trở vệ địa phương lưu trú.

Trong thời gian tự theo dõi sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate