Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu các cơ quan nhà nước chứng minh được việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là để phục vụ lại cho người dân, đảm bảo được sự minh bạch trong thu chi thì tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân cho dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo nghị quyết. Theo đó, có đến 40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn.
Đặc biệt, đối với dự thảo nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ Tài chính cho biết, đa số các ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo.
Tuy nhiên thực tế đến nay, dự thảo nghị quyết này vẫn đang vấp phải sự phản đối từ nhiều chuyên gia kinh tế cũng như người dân.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, có nhiều câu hỏi cần đặt ra đối với dự thảo điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Cụ thể là tính minh bạch trong vấn đề thu, chi như thế nào? Hiệu quả môi trường của việc tăng thuế ra sao? Đơn vị nào sẽ đo lường mức độ hiệu quả đó?
"Thông thường, các cơ quan nhà nước không giải thích được tăng thuế để làm gì. Nếu vì bí ngân sách mà tăng thuế thì cũng cần làm rõ là bao nhiêu phần trăm trong số tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường? Bao nhiêu phần trăm để bù cho các khoản thu thiếu hụt khác? Đồng thời, cơ quan soạn thảo cũng phải giải đáp được câu hỏi, khi tăng thuế môi trường thì ai sẽ được lợi?", bà Lan nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu những câu hỏi trên được giải đáp, thuyết phục được người dân thì chắc chắn người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ.
"Nếu các cơ quan nhà nước chứng minh được việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là để phục vụ lại cho người dân, đảm bảo được sự minh bạch trong thu chi thì tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận", bà Lan nói.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc của VEPR cũng chung quan điểm với chuyên gia Phạm Chi Lan.
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, để người dân tin tưởng và không phản ứng với kiến nghị tăng thuế thì cách làm tốt nhất là cơ quan nhà nước phải tạo được sự minh bạch và giải trình tốt chính sách.
"Tăng thuế xăng dầu sẽ gây ra những thiệt hại rất lớn đối với kinh tế xã hội, chẳng hạn như làm tăng chi phí nguyên vật liệu, tăng phí vận tải cho người sử dụng, kéo theo việc tăng giá một loạt các mặt hàng, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Còn mục tiêu chính là thu thuế để bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế này lại bị lu mờ so với mục đích thu để bù đắp thiếu hụt ngân sách", TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Trong khi đó, TS. Phạm Sỹ Thành lại nêu quan điểm, nếu đánh thuế môi trường để giảm tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm đó thì phải đánh vào than, là mặt hàng gây ô nhiễm môi trường hơn xăng dầu rất nhiều. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã không làm như vậy vì thu thuế xăng dầu dễ hơn.