February 04, 2022 | 08:00 GMT+7

Tăng tốc hành trình chuyển đổi số quốc gia

Nhĩ Anh -

Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số. Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, phòng chống Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hoạt động chuyển đổi số đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh chất xúc tác là đại dịch Covid-19, sự chuyển biến này nhờ chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước từ cấp cao nhất và nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ. Công nghệ số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế và xã hội.

CẢ NƯỚC BƯỚC VÀO HÀNH TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam 2021, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận xét năm 2021, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả. Rõ ràng nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Công nghệ số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế - xã hội, ông Dũng nhấn mạnh.

Ở quy mô quốc gia, Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia tiên phong trên thế giới có Thủ tướng Chính phủ trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban. Điều này thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở.

Đặc biệt, tháng 6/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030.

 
Chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả. Rõ ràng nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Công nghệ số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế- xã hội.

Năm chuyển đổi số quốc gia đã đánh dấu sự khởi động tích cực ở mọi cấp, ngành, mọi lĩnh vực, mọi địa phương và toàn xã hội. Đánh giá kết quả chuyển đổi số, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng thời gian qua, nhận thức về chuyển đổi số đã có những chuyển biến tích cực.

Đến nay, đa số các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Đã có 20 tỉnh và 5 bộ đã kiện toàn lại ban chỉ đạo chuyển đổi số, trong đó có 4 bộ và 15 chủ tịch tỉnh là người đứng đầu. Cùng với đó, có 85 bộ, ngành, địa phương ban hành nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số.

Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành hơn một năm qua đã tích hợp gần 3.000 dịch vụ công trực tuyến, góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, ứng dụng các nền tảng Make in Vietnam của các doanh nghiệp công nghệ số đã đóng góp thiết thực và hiệu quả cho công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu kép. Nhiều nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch trên quy mô quốc gia đã được xây dựng cấp tốc và phát huy hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai phát triển ứng dụng PC-Covid phục vụ cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước.

Trong y tế, mạng lưới Telehealth với 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa mới được kết nối đã thu hẹp khoảng cách y tế giữa các cấp và các vùng miền; giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ 30% xuống còn dưới 10%, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã có 79,9% học sinh phổ thông học trực tuyến…

Chuyển đổi số trong năm 2021 đã phát huy hiệu quả vai trò không chỉ trong phòng chống dịch, mà còn giúp kinh tế, xã hội vận hành, tạo tiền đề để phục hồi và phát triển trong tương lai. Chuyển đổi số cũng giúp tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Số liệu thống kê cho thấy, năm qua số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng thêm 5.600 so với năm 2020. Mặc dù đại dịch bùng phát nhưng số lượng và doanh thu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Nhiều sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu đã hướng vào giải các “bài toán” của Việt Nam.

SỰ CHUYỂN BIẾN TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

Đại diện Tập đoàn VNPT cho biết năm 2021, song hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu phòng chống dịch và phát triển kinh tế, Tập đoàn đã vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình, cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp quyết liệt phòng chống Covid-19. Sau 5 tháng nỗ lực, tháng 3/2021, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (một trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng, quan trọng nhất để xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam) đã chính thức được khai trương. Từ 1/7/2021, hệ thống chính thức được vận hành, đánh dấu mốc quan trọng việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia, phục vụ điều hành của Chính phủ.

Thành quả này là kết quả nỗ lực của VNPT khi cung cấp một giải pháp trọn gói mang hình hài của một dự án chuyển đổi số tổng thể từ hạ tầng, từ nền tảng cho đến ứng dụng. Qua đó, VNPT đang kiến tạo nên những cơ hội với vị thế tiên phong trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Theo Tập đoàn này, trong bối cảnh dịch bệnh, xu thế chuyển đổi số mở ra cho các doanh nghiệp số nhiều cơ hội. VNPT đặt mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong dẫn dắt triển khai cung cấp dịch vụ số cho quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải nền tảng số xuất sắc cho các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải nền tảng số xuất sắc cho các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ

Là nhà cung cấp dịch vụ số có hệ sinh thái chuyển đổi số hoàn thiện nhất tại Việt Nam, Tập đoàn Viettel đã hoàn thiện 6 lĩnh vực nền tảng trong xã hội số gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao. Viettel xác định vai trò tiên phong và chủ lực trong thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Trong năm 2021, các sản phẩm, dịch vụ số của Viettel tập trung hỗ trợ chính phủ, chính quyền và người dân cả nước thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh.Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Viettel đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Điển hình trong đó là việc triển khai nền tảng cho chiến dịch tiêm chủng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Cùng với đó là triển khai tờ khai y tế, và hệ thống cách ly tại nhà; hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa Telehealth…

 
Covid-19 là một cú hích lớn thúc đẩy phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, vận hành doanh nghiệp để thích nghi, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, hướng đến điều hành quản trị thông minh, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Làn sóng chuyển đổi số đã có tác động tích cực và tạo nhiều thay đổi mạnh mẽ cho các doanh nghiệp.

Tổng giám đốc MISA Đinh Thị Thúy

Với vai trò là đơn vị tiên phong trong xây dựng, phát triển các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tổng giám đốc MISA Đinh Thị Thúy nhận thấy Covid-19 là một cú hích lớn thúc đẩy phải chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, vận hành doanh nghiệp để thích nghi đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, hướng đến điều hành quản trị thông minh, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Bà Thúy nhấn mạnh chuyển đổi số là quá trình tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp. Làn sóng chuyển đổi số đã có tác động tích cực và tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp trong nhận thức cũng như hành động. Hiện MISA đang cung cấp giải pháp công nghệ số cho gần 200.000 doanh nghiệp.

Còn ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA), nhận định chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Dù vậy, hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức, cả sự lúng túng từ nhận thức đến hành động cụ thể.

Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ chỉ số về chuyển đổi số để hàng năm đánh giá kết quả của các bộ ngành, địa phương. Lần đầu tiên tiên, kết quả đánh giá chuyển đổi số vừa được công bố. Theo đó, chuyển đổi số ở Việt Nam còn ở mức độ trung bình, mới chỉ bắt đầu và đang chuyển hướng thành hành động.

Trong các doanh nghiệp, ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng giám đốc FPT Digital cho biết, thông qua khảo sát và đánh giá mức độ trưởng thành số nhận thấy đa phần các doanh nghiệp đang ở mức khởi động cho chương trình chuyển đổi số.

TỶ TRỌNG KINH TẾ SỐ SẼ ĐẠT 11,5% GDP TRONG 2022

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Covid-19 là “cú hích trăm năm” cho chuyển đổi số. Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước vào chuyển đổi số. Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.

Chia sẻ các mục tiêu chuyển đổi số trong năm 2022 tại Diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số Việt Nam vừa qua, Cục Tin học hóa cho biết, về hạ tầng số, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt khoảng 85% (hiện nay là 75%). Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng là 70%.

Về chính phủ số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ đạt 100%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 80%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến là 50%. Đại diện Cục Tin học hóa nhìn nhận đây là những mục tiêu rất thách thức.

Về mục tiêu kinh tế số và xã hội số, trong năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP chiếm khoảng 11,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) sử dụng nền tảng số khoảng 30%. Cùng với đó, tỷ lệ hóa đơn điện tử sẽ đạt mức 100% và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử khoảng 50%. Cũng trong năm 2022 sẽ phấn đầu khoảng 90% tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử và 10% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân...

Tăng tốc hành trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1

Trong năm 2022 sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế chính sách, phát triển hạ tầng số và các nền tảng số quan trọng. Riêng về thể chế chính sách, sẽ tập trung hoàn thiện Luật giao dịch điện tử sửa đổi; Nghị định về định danh, xác thực điện tử; Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động của fintech…Cùng với đó sẽ nghiên cứu đề xuất các chính sách để ngân sách danh cho chuyển đổi số đạt mức tối thiểu 1% và có cơ chế đặc thù cho Quỹ Phát triển khoa học công nghệ.

Về hạ tầng số, sẽ phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng. Theo ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa, đây là điều kiện kiên quyết cho mọi hoạt động của chuyển đổi số. Có hình thành được công dân số sinh sống, hoạt động trên môi trường số thì mới hình thành được thị trường số, tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển, ông Công Anh nói.

Bên cạnh đó, trong năm 2022 sẽ tiến hành phổ cập danh tính số toàn dân để người dân dễ dàng chứng minh danh tính thật của mình trên môi trường số, sử dụng các dịch vụ số một cách trọn vẹn mà không cần hiện diện trực tiếp. Đây cũng là điều kiện quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số.

Riêng về nền tảng số, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định những nền tảng số chủ yếu cho chuyển đổi số như: hồ sơ sức khỏe điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, nền tảng giao diện thanh toán hợp nhất…

Tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số năm 2021, Bộ đã công bố 35 nền tảng tảng số quốc gia đã giao cho các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, phát triển và triển khai, được chia thành 6 nhóm từ hạ tầng số, chính phủ số, công nghệ số cốt lõi, đến các nền tảng phục vụ các lĩnh vực...

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, xếp thứ ba khu vực ASEAN.

TĂNG TỐC HÀNH TRÌNH, TẠO ĐỘNG LỰC PHỤC HỒI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Để thực hiện mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng từng cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trong xã hội phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng tốc lộ trình và nâng cao hiệu quả hơn công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu tại phiên họp lần đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi khách quan của phát triển. Chuyển đổi số tác động tới tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bắt tay vào làm, mới tạo ra hệ thống tổng thể và liên thông. Chuyển đổi số cũng tác động tới mọi người dân nên phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng nhấn mạnh phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, có cách làm phù hợp, nhất là bám sát thực tiễn để xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phải có đầu tư thích đáng cho chuyển đổi số, hoàn thiện thể chế, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị trên cơ sở khoa học, hợp lý, hiệu quả. Thúc đẩy hợp tác công tư dưới sự dẫn dắt của Chính phủ đi đôi với sự năng động, hiệu quả thị trường, xã hội.

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương phải tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu. Tiếp tục hoàn thiện thể chế; tích cực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ; xây dựng, triển khai chương trình phát triển công dân số để hài hòa với các trụ cột về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số…

Về chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, đặc biệt phải bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả.

Tăng tốc hành trình chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 2

Nhấn mạnh chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn về công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về chuyển đổi số, trong đó có việc tạo ra các thể chế số. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho chuyển đổi số sẽ tạo ra thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số nền tảng của chuyển đổi số. Đó sẽ là những cú hích quan trọng cho chuyển đổi số thành công tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Hùng, cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh thay đổi nhanh và khó đoán định ngày nay là bước đi nhỏ nhưng tầm nhìn xa. Việt Nam đã có Chương trình quốc gia về chuyển đổi số, tiếp theo đó là các chiến lược thành phần về chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số không chỉ là sự tham gia của các bộ ngành mà còn là địa phương, doanh nghiệp; không chỉ là thể chế mà còn là các nền tảng vật chất, là sự tham gia của toàn dân và toàn diện.

 
Chuyển đổi số năm 2022 sẽ thoát khỏi khía cạnh là một từ khóa mang tính thời thượng và đi vào thực chất, cụ thể hơn. Chúng ta đã nói nhiều về chuyển đổi số, giờ là lúc cần làm. Và khi đó, Việt Nam mới đạt được các mục tiêu như kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc FPT Digital.

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số lần thứ III với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ. Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý…

Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số. Việc Bộ Thông tin và Truyền thông công khai các dự án chuyển đổi số sẽ là một bước thúc đẩy chuyển đổi số.

Với doanh nghiệp, các chuyên gia khẳng định, đây là thời điểm vàng để chuyển đổi số. Những doanh nghiệp nào tận dụng cơ hội của đại dịch để chuyển đổi số sẽ đem lại sự bứt phá nhảy vọt trong giai đoạn bình thường mới.

Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mua sắm thiết bị mà còn là vấn đề thể chế, chính sách, nhận thức và năng lực của tổ chức. Các chuyên gia nhấn mạnh công nghệ chỉ đóng góp khoảng 20% thành công của chuyển đổi số, còn 80% phụ thuộc vào nhận thức và năng lực tổ chức triển khai thực hiện. Trong chuyển đổi số, nhận thức và cách làm rất quan trọng. Khi bắt đầu chuyển đổi số cần phải khởi động thông minh, lựa chọn những điểm phù hợp nhất và tận dụng toàn bộ tổ chức để thúc đẩy hành trình.

Theo bà Thúy, yếu tố cốt lõi để thúc đẩy tăng tốc lộ trình chuyển đổi số ở Việt Nam để đạt được mục tiêu đã đặt ra trong năm 2022 và những năm tới chính là nhận thức. Việc đón đầu xu hướng chuyển đổi số cũng cho thấy sự quyết liệt chuyển đổi của lãnh đạo Chính phủ cho ngành công nghệ thông tin, cho công tác chuyển đổi số.

 
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số do Thủ trướng Chính phủ đứng đầu thể hiện cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ. Phiên họp đầu tiên của Ủy ban đã thống nhất các vấn đề về nhận thức, cách tiếp cận Việt Nam, bám sát tầm nhìn và các chiến lược quốc gia về hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, từ đó đề ra một kế hoạch cụ thể cho năm 2022.
Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ. Một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hoá các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm một cú huých là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hoá các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số và được pháp luật bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý…
Doanh nghiệp công nghệ số là hạt nhân, là nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thành doanh nghiệp số, mọi tổ chức Việt Nam thành tổ chức số, mọi công dân Việt Nam thành công dân số. Việc Bộ công khai các dự án chuyển đổi số sẽ là một bước thúc đẩy chuyển đổi số…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate