Quy định tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Xung quanh câu chuyện này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người từng có nhiều năm tham gia bàn thảo sửa đổi Bộ luật Lao động các lần trước đó.
Quyết định khó khăn nhưng bắt buộc phải làm
Quốc hội vừa chính thức thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi. Theo ông, việc tăng tuổi nghỉ hưu như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến người lao động cũng như doanh nghiệp, thưa ông?
Đây là quyết định có tác động rất lớn, có thể nói là rất khó khăn của Việt Nam cũng như nhiều nước phải làm, nhằm bảo đảm tính bền vững của quỹ an sinh xã hội nói chung và quỹ hưu trí nói riêng trước thách thức già hóa dân số.
Tăng tuổi nghỉ hưu cũng là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội, để làm sao đảm bảo cân bằng hơn giữa đóng và hưởng. Thực tế, quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm hưu trí chúng ta đã bắt đầu thực hiện từ năm 2011 cho đến nay, với nhiều giải pháp điều chỉnh mức đóng và mức hưởng cho phù hợp.
Chẳng hạn, trước năm 2010, mức đóng của người sử dụng lao động chỉ có 11% và người lao động 5%, thì bây giờ người sử dụng lao động phải đóng trên 14% và người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí này. Mức đóng hiện nay cũng phải trên tổng thu nhập chứ không chỉ có tiền lương.
Còn tăng tuổi nghỉ hưu thực chất là tăng thời gian đóng, về mức hưởng chúng ta cũng đang phải điều chỉnh dần. Ví dụ, trước đây đóng 15 năm được hưởng 45%, từ năm 2018 bắt đầu quá trình điều chỉnh lên dần.
Để hưởng mức tối đa thì lao động nam phải đóng đủ 30 năm và nữ là 25 năm đóng bảo hiểm xã hội thì mới được hưởng mức tối đa 75%, nếu thời gian đóng ít hơn thì không được hưởng mức tối đa đó.
Phương án tăng tuổi nghi hưu như Quốc hội quyết định là giải pháp để tăng thời gian đóng nhằm bảo đảm cân bằng hơn quỹ trong điều kiện tuổi thọ tăng thì thời gian hưởng bảo hiểm xã hội sẽ kéo dài hơn.
Đây là giải pháp quan trọng và có tác động rất lớn. Thực ra, từ năm 2008 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phải nghiên cứu, đánh giá tác động về tính bền vững của quỹ hưu trí cũng như đưa ra giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu. Trong đó, đã báo cáo Quốc hội 2 lần vào các năm 2012 khi sửa đổi Bộ luật Lao động và năm 2014 khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội.
Nhưng đến năm 2019, Quốc hội mới quyết định vấn đề này. Đứng về mặt chính sách rõ ràng đây là giải pháp rất quan trọng để vượt qua thách thức khi quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, thách thức của quá trình phát triển chúng ta gặp phải để bảo đảm tính bền vững của quỹ.
Lộ trình phù hợp
Vậy có điều gì chưa thuận khi tăng tuổi nghỉ hưu lần này không, thưa ông?
Đúng là tăng tuổi nghỉ hưu cũng có những tác động không thuận, ví dụ như ảnh hưởng đến thị trường lao động, việc làm, sức khỏe, năng suất lao động, đặc biệt là tâm lý. Những vấn đề này ở khu vực công thì có tác động nhưng có thể khắc phục được.
Tuy nhiên, ở khu vực thị trường sẽ khó khăn hơn rất nhiều, đó là lý do trong quá trình xin ý kiến tuổi nghỉ hưu đa số người lao động và người sử dụng lao động đều không muốn hoặc họ chưa sẵn sàng về việc này.
Nhưng trước việc bảo đảm tính bền vững của quỹ hưu trí thì Quốc hội vẫn quyết định tăng. Quyết định của Quốc hội là đúng, nhưng bây giờ phải tuyên truyền để người lao động hiểu rõ rằng họ phải có trách nhiệm nhiều hơn, tức là phải tham gia làm việc nhiều hơn và mức đóng tăng lên.
Ví dụ, trước đây nam đóng đến 60 tuổi là được hưởng lương hưu rồi thì bây giờ phải đóng đến 62 tuổi, nữ thì kéo dài hơn, đến năm 2035 thì lao động nữ đủ 60 tuổi mới được nghỉ hưu.
Nhìn chung, về lộ trình tăng của phương án là phù hợp để giảm bớt những tác động đến thị trường lao động, vấn đề việc làm, tâm lý, cũng như các điều kiện để cải thiện sức khỏe, năng suất lao động, chứ nếu chúng ta làm đột ngột thì tâm lý người lao động sẽ rất nặng nề.
Bởi vì, rõ ràng là người lao động rất thực tế, khi nhìn thấy bắt buộc phải làm nhiều hơn, mức đóng tăng lên thì sẽ phản ứng.
Nhưng khi người lao động không đồng tình, rõ ràng là phản ứng chính sách của Nhà nước nhưng chính doanh nghiệp lại chịu ảnh hưởng trực tiếp, quan điểm của ông về vấn đề này, thưa ông?
Qủa thật, khi người lao động không đồng ý với các chính sách thì sự phản kháng đôi lúc lại ảnh hưởng đến chính người sử dụng lao động.
Do đó, theo tôi cách nhanh nhất là Chính phủ phải có quy định sớm về vấn đề này, nếu không cứ nghĩ đến năm 2021 mới thực hiện mà chúng ta chậm ban hành các hướng dẫn để tuyên truyền cho người lao động hiểu đây là trách nhiệm với chính bản thân mình thì sẽ rất khó khăn.
Bản thân quỹ hưu trí không có sự chia sẻ giữa người này với người khác, mà là quá trình tích lũy cả quãng đời làm việc, để sau này khi nghỉ hưu chúng ta được hưởng. Đây là điều phải tuyên truyền kỹ để người lao động nhận thấy.
Bản thân Nhà nước không có lợi lộc gì ở đây cả, nhưng để bảo đảm tính bền vững của quỹ cũng như của chính người lao động thì phải ban hành chính sách này.
Cái này không chỉ riêng Việt Nam đâu mà tất cả các nước trên thế giới đều gặp phải, đều phải làm và nhiều nước cũng đã làm rồi, chúng ta cũng phải đi theo con đường đó. Nhà nước làm cái này để trong quá trình phát triển, già hóa dân số nhằm bảo đảm an toàn quỹ, tích lũy để sau này hưởng nhiều hơn.
Có giải pháp đồng bộ trong thực hiện
Vậy làm sao để người lao động thấu hiểu và đồng tình với chính sách thưa ông?
Như tôi đã đề cập, trước hết, Chính phủ phải sớm ban hành nghị định hướng dẫn, quy định rõ bây giờ lộ trình tăng thế nào, đối tượng nào tăng, chưa phải tăng hoặc không tăng, phải làm rõ như vậy.
Trách nhiệm đầu tiên là phải tuyên truyền cho đối tượng chịu tác động trực tiếp là người lao động, hai là tuyên truyền để người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn với người lao động.
Chúng ta mà không làm nhanh cái này thì áp lực về mặt tâm lý của người lao động sẽ tích tụ lại, phản đối lên chính doanh nghiệp.
Thực tế, bản thân doanh nghiệp cũng không muốn sử dụng người lao động nhiều tuổi vì nó tác động đến vấn đề sức khỏe, an toàn lao động, đặc biệt là năng suất. Nếu nhìn bài toán tổng thể về mặt kinh tế thì rõ ràng chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên, nhưng hiệu quả lại ít hơn.
Tất nhiên không phải cả 100% nhưng phần lớn doanh nghiệp chỉ muốn giữ lại những lao động cao tuổi có kinh nghiệm, chuyên môn rất cao và không thể thay thế được. Về mặt tuyên truyền là phải làm như vậy.
Tiếp theo nữa, tôi cho rằng Chính phủ phải tiếp tục sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Bởi vì khi tăng thời gian đóng thì mức hưởng, các tỷ lệ tích lũy thay đổi sẽ như thế nào, kể cả vấn đề bảo đảm an toàn và phát triển quỹ bảo hiểm do người lao động và người sử dụng lao động đóng vào cũng phải tính đến.
Bên cạnh đó, các chế độ đối với việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bảo hiểm hàng tháng ra sao cũng phải sửa, chứ không phải giữ nguyên Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để bảo đảm tính đồng bộ phù hợp. Lúc đó, mới gọi là có đầy đủ cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động thực hiện.
Rõ ràng tăng tuổi nghỉ hưu tác động đến rất nhiều vấn đề khác. Doanh nghiệp cũng rất lo lắng khi phải tăng trách nhiệm lên, phải đóng nhiều hơn nhưng sức khỏe người lao động liệu có bảo đảm cho sản xuất, đó là những vấn đề đang đặt ra.
Tôi cũng nghĩ rằng, trong chính sách của chúng ta sau này phải nghiên cứu nhiều giải pháp đồng bộ. Ví dụ, khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội thì có thể đóng nối lên để đủ thời gian hưởng, hoặc phải nới thời gian quy định trong trường hợp suy giảm sức khỏe thì được về hưu và hưởng lương hưu thấp hơn.
Tóm lại phải có rất nhiều giải pháp cho người lao động lựa chọn sao cho phù hợp. Đồng thời, phải có giải pháp chuyển đổi nghề cho người lao động, nhưng không nên bắt ép doanh nghiệp mà chỉ nên khuyến khích để họ có trách nhiệm nhiều hơn với người lao động của mình.
Chính phủ phải đặt ra nhiều tình huống cho bài toán này, để có các chính sách giải quyết linh hoạt. Biết là thách thức lớn nhưng làm như thế để người lao động thấu hiểu và lựa chọn phương án đa dạng hơn, không nên chốt lại như chỉ đến 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ mới được nghỉ mà không có các giải pháp hỗ trợ khác.