April 03, 2025 | 20:00 GMT+7

Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng

Thu Hằng -

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách về công tác phòng bệnh. Tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận tới các dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả, nhất là với các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội...

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2025.
Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2025.

Ngày 3/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2025.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, mỗi năm có khoảng 300.000 phụ nữ tử vong khi mang thai hoặc sinh con, và hơn 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu tiên sau khi sinh; ước tính cứ 7 giây lại có 1 ca tử vong có thể phòng ngừa được.

Phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng có vai trò quyết định tới tương lai phát triển của đất nước. Vì vậy, phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, bà mẹ, trẻ em luôn có sự ưu tiên hàng đầu.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam luôn thể hiện những nỗ lực trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được tổ chức triển khai hiệu quả, với những kết quả ấn tượng trong mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em.

Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm trên 5 lần, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990, xuống còn trên 44/100.000 trẻ đẻ sống năm 2023 - đứng thứ 4 các nước Đông Nam Á; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm hơn 4 lần, từ 44‰ xuống còn 11,6‰.

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm gần 4 lần, từ mức 58‰ xuống còn 16,9‰. Đồng thời, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em cũng giảm mạnh từ mức 53‰ xuống còn 9,7‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 5 tuổi là 18,2%. Việt Nam được đánh giá là một trong 6 nước trên thế giới đạt chuẩn về tỷ lệ giảm tử vong mẹ.

Tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định:“Quán triệt quan điểm “Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển” và thực hiện tốt nhiệm vụ “Chú trọng chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo”; Bộ Y tế xác định đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít tinh. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ mít tinh. 

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế tiếp tục thúc đẩy triển khai các giải pháp trọng tâm về phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng nêu 6 nội dung cần ưu tiên và triển khai ngay. Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách về công tác phòng bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận tới các dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thứ hai, triển khai đồng bộ các Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Chính phủ và Bộ Y tế về sức khoẻ, dinh dưỡng bà mẹ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực nông thôn, khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Thứ ba, ưu tiên tối đa nguồn lực để thực hiện. Tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế để mở rộng các mô hình can thiệp nhằm tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, y tế dự phòng trong việc phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con. Triển khai hiệu quả, an toàn tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ, trong đó đảm bảo việc cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng và bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Thứ tư, tiển khai đồng bộ các giải pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế trong phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản.

Thứ năm, đẩy mạnh truyền thông, đa dạng hóa các hình thức, phương tiện truyền thông và hỗ trợ hiệu quả cho người dân tiếp cận dịch vụ phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, khu vực nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Thứ sáu, tăng cường phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, tích cực vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, quốc tế cho công tác phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, bà mẹ, trẻ em.

 

Từ năm 1950, ngày 7/4 được lấy làm Ngày Sức khoẻ Thế giới, với mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là những thách thức sức khỏe mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt.

Ngày Sức khoẻ Thế giới năm 2025 được Tổ chức Y tế Thế giới phát động với chủ đề “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng”, nhằm thúc đẩy các quốc gia và cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực trong việc bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, để dự phòng, hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh, tử vong ở bà mẹ, trẻ em, với ưu tiên mang lại hạnh phúc lâu dài của phụ nữ và trẻ em.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate