Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications, việc tiếp xúc hằng ngày với không gian có mật độ cây xanh cao, trong lành đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho não bộ, bao gồm các chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), CQ (chỉ số sáng tạo), SQ (chỉ số xã hội), PQ (chỉ số thể chất) và AQ (chỉ số nghị lực).
Cụ thể, Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học môi trường của Barcelona đã theo dõi 2.500 trẻ em trong thành phố trong hơn một năm và phát hiện ra rằng học sinh có trường học có nhiều không gian xanh hơn ở trong và xung quanh có trí nhớ học tập tốt hơn và ít mất tập trung hơn. Một nghiên cứu từ Bỉ được công bố trên tạp chí trực tuyến Plos Medicine mới đây cũng cho rằng trẻ em lớn lên ở những khu vực xanh hơn có chỉ số IQ cao hơn, cũng như mức độ hành vi khó khăn thấp hơn.
Phân tích hơn 600 học sinh người Bỉ trong độ tuổi từ 10 đến 15 cho thấy việc tăng 3% độ xanh của khu phố của họ đã làm tăng điểm IQ (chỉ số thông minh) trung bình của họ thêm 2,6 điểm. Thiên nhiên cũng chứa đựng nhiều khả năng trị liệu, phục hồi, tái tạo tự nhiên, đơn cử như liệu pháp "tắm rừng" của người Nhật, giúp giảm huyết áp và nâng cao sức khỏe tinh thần nhờ hít thở các hợp chất tự nhiên từ cây cối.

Theo Guardian, nếu không có điều kiện sống gần gũi thiên nhiên, việc mở cửa sổ đón tiếng chim hót, gió thổi, hay sử dụng âm thanh thiên nhiên qua ứng dụng cũng có tác động tích cực nhất định đến sức khỏe. Ở chiều ngược lại, nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và các rối loạn về hành vi và phát triển, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn ăn uống ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Hàng loạt nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng cho thấy, các hạt mịn trong khí quyển có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư phổi, chứng mất trí, trầm cảm và ADHD cao hơn. Một nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 164.000 học sinh Trung Quốc. Kết quả cho thấy, cứ 10 microgam PM2.5 (các hạt nhỏ hơn 2,5 micron) trên một mét khối tiếp xúc, thì trẻ em có khả năng được chẩn đoán mắc ADHD cao hơn 1,65 lần.
Ô nhiễm không khí liên quan đến ADHD và các rối loạn hành vi cũng như vấn đề về phát triển ở trẻ em từ 7 - 11 tuổi. Các chất ô nhiễm môi trường như O3, NO2, PM1, PM2.5 và PM10 có liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên và sự phát triển ADHD. Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí kéo dài theo thời gian, nguy cơ lo lắng ở trẻ em và thanh thiếu niên tăng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố, hơn 20% thanh thiếu niên trên toàn thế giới (từ 10 - 19 tuổi) mắc các rối loạn tâm thần và 50% trong số này bắt đầu trước 14 tuổi. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, chúng không được phát hiện hoặc điều trị.
Một nghiên về sức khỏe tâm thần của trẻ em liên quan đến ô nhiễm dựa trên những người chủ yếu hoặc chỉ sống ở khu vực thành thị. Việc mẹ tiếp xúc với ô nhiễm không khí có liên quan đến sự phát triển thần kinh của trẻ trong 24 tháng đầu đời cho đến khi bắt đầu chậm phát triển thần kinh.

Tại Việt Nam, theo thống kê chưa chính thức hiện nay tại Việt Nam có đến 20% dân số gặp những vấn đề về hàm - mặt, xoang; trong đó có 10% nguy cơ tiến triển thành ung thư. Chia sẻ về bệnh lý viêm mũi xoang - một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến nhất ở nước ta, PGS.TS. Lâm Huyền Trân, Phó chủ tịch Hội Tai mũi họng TP.HCM, cho hay ô nhiễm không khí đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh lý này.
Tại Hội nghị quốc tế tai mũi họng và phẫu thuật đầu - cổ ENT Masterclass® mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM thông tin các bệnh lý liên quan đến mũi xoang chiếm khoảng 30 - 35% tổng số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện mỗi năm.
"Khi không khí bị ô nhiễm khiến niêm mạc mũi, họng dễ bị kích thích hơn. Ngay cả những cái người mà viêm mũi dị ứng hoặc viêm mũi xoang bình thường khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm sẽ trở thành gánh nặng đối với niêm mạc mũi, gây viêm và những đợt viêm xoang cấp.
Hiện nay viêm xoang cấp xảy ra quanh năm. Thực tế, những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân viêm mũi xoang, viêm nhiễm đường thở có gia tăng do ô nhiễm không khí", bác sĩ Trân cho hay. Nhiều người ngại điều trị viêm mũi xoang vì cho rằng đây là bệnh mãn tính, không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, việc điều trị bệnh sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em
Chưa kể viêm mũi xoang mãn tính cũng có thể trở nặng khi có đợt cấp, đợt bội nhiễm. Ví dụ viêm mũi xoang có thể gây biến chứng viêm màng não, áp xe não, viêm quanh nhãn cầu hoặc ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy người bệnh cần theo dõi, điều trị nhằm giảm bớt nguy cơ mà biến chứng xảy ra.

Bên cạnh đó, tiếp xúc với không khí ô nhiễm thường xuyên làm tăng nguy cơ viêm phổi, viêm phế quản, làm bệnh hen suyễn trở nặng hơn. TS.BS. Phạm Thị Lệ Quyên, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các hạt bụi mịn có khả năng xâm nhập sâu vào đường thở, thậm chí đi qua phế nang vào máu, làm suy giảm khả năng bảo vệ tự nhiên của phổi.
Sau khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm, cơ thể có thể xuất hiện triệu chứng cấp tính như kích ứng đường thở gây ho, ngứa họng, rát họng, chảy nước mũi hoặc hắt hơi. Đồng thời, chất ô nhiễm gây viêm niêm mạc đường hô hấp, kích hoạt cơn co thắt phế quản, dẫn đến khó thở, cảm giác nặng ngực. Cơ thể cũng phản ứng bằng cách tăng tiết dịch nhầy để cố gắng loại bỏ tác nhân xâm nhập.
Tiếp xúc kéo dài với không khí ô nhiễm trong vài ngày đến vài tuần có thể làm trầm trọng thêm bệnh hô hấp mạn tính sẵn có, gây ra đợt cấp nguy hiểm. Hệ miễn dịch của phổi có thể suy yếu, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi virus và vi khuẩn hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, viêm phổi.
Theo bác sĩ Quyên, người sống trong môi trường ô nhiễm không khí trong thời gian dài có thể bị viêm mạn tính, dẫn đến suy giảm chức năng phổi. Đây là yếu tố nguy cơ thúc đẩy hoặc làm nặng thêm các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn...
Bác sĩ Quyên khuyến cáo mọi người hạn chế tối đa tiếp xúc với không khí ô nhiễm, thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí (AQI), tránh các hoạt động ngoài trời vào những ngày chỉ số ở mức xấu. Gia đình giữ cửa nhà sạch sẽ, sử dụng máy lọc không khí có màng lọc HEPA, đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn khi ra ngoài. Nếu ho dai dẳng, khó thở tăng dần, đau ngực hoặc các triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.