Chiều 5/6/2023 tại thành phố Nha Trang, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam phối hợp với Cục Thủy sản (DFish) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo “Na Uy-Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển”.
Mục tiêu của Hội thảo là tạo một diễn đàn để các bên liên quan đến từ khu vực nhà nước, tư nhân và giới nghiên cứu cùng thảo luận về lộ trình phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững cũng như vai trò của các bên liên quan trong quá trình đó.
PHẢI QUẢN TRỊ TỐT NGUỒN LỢI BIỂN
Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết sự kiện này tạo một động lực mới cho hợp tác song phương Na Uy - Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản và để triển khai Ý định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy ký kết năm 2021 về “Tăng cường hợp tác song phương trong ngành nuôi trồng thủy sản trên biển”.
“Là một quốc gia đại dương, các ngành kinh tế biển trong đó có đánh bắt và nuôi trồng hải sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Na Uy cũng như tạo việc làm của các cộng đồng dân cư duyên hải rộng lớn của chúng tôi”, bà Hilde Solbakken bày tỏ.
"Giảm khai thác tăng nuôi trồng cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt nam coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Vì vậy, chuyển đổi sang nuôi xa bờ, phát triển nuôi cá quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Vietnam sẽ là xu hướng tất yếu”.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản.
Bà Hilde Solbakken cho rằng quản trị tốt các vùng biển và nguồn lợi đại dương có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo các ngành kinh tế biển có thể phát triển hài hòa cùng nhau và cùng với môi trường.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định mặc dù có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, và thiếu lao động có trình độ cao…
“Với đường bờ biển dài, Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng và nhiều mối quan tâm chung. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm và bài học thành công của Na Uy sẽ đưa ra những gợi ý giúp chúng tôi giải quyết các khó khăn hiện tại cũng như xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển mạnh mẽ và bền vững hơn”, ông Trần Đình Luân nói.
Trong xu thế chuyển dịch sang các hoạt động nuôi trồng bền vững, ông Luân cho rằng để tiếp tục phát triển, ngành thủy sản Việt Nam cần phải có quy hoạch và chính sách hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Na Uy có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ về quy trình xây dựng chính sách với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt liên quan tới cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển hay còn gọi là nuôi trồng thủy sản xa bờ, quy trình vận hành cơ sở nuôi trồng để vừa đảm bảo năng suất vừa giảm thiểu tác động đối với hệ sinh thái biển.
Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết Việt Nam đang triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/10/2021 nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển một cách đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.
VAI TRÒ CỦA GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Bà Anne B. Osland, Vụ trưởng Vụ Cấp phép Nuôi trồng, Cục Quản lý Nuôi trồng và Vùng bờ, Tổng cục Thủy sản Na Uy cho hay hiện nay, nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Na Uy, chỉ sau dầu mỏ và khí đốt. Ngành này đã trở thành một ngành công nghiệp với năng suất cao và chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm cho hơn 8.000 người trong các cộng đồng cư dân sinh sống ven biển.
"Đổi mới sáng tạo và phát triển những loại hình công nghệ mới là chìa khóa đảm bảo sự thành công trong tương lai cho ngành nuôi biển. Việc nghiên cứu và phát triển các quy trình sản nuôi trồng mới, bền vững hơn có thể diễn ra trong toàn bộ chuỗi giá trị, trong đó phải kể tới vai trò then chốt của khu vực tư nhân".
Bà Anne B. Osland, Vụ trưởng Vụ Cấp phép Nuôi trồng, Cục Quản lý Nuôi trồng và Vùng bờ, Tổng cục Thủy sản Na Uy.
Các đại biểu dự hội thảo đã nghe ông Ngô Thế Anh - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản trình bày về Chính sách phát triển nuôi biển ở Việt Nam: thách thức và giải pháp. Theo đó, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha với các đối tượng nuôi biển phong phú gồm các nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm giáp xác, nhóm rong tảo biển. Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn.
Ông Ngô Thế Anh cho hay cả nước có khoảng 7.400 cơ sở nuôi biển với 248.768 lồng/bè, trong đó 6.500 cơ sở gần bờ. Hiện nay 99% cơ sở nuôi biển là quy mô gia đình, do hộ ngư dân là chủ thể, tự phát, manh mún. Công nghệ lạc hậu và thiếu chuỗi liên kết. Trong khi đó, các mô hình nuôi biển công nghiệp đòi hỏi vốn lớn nên hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư, như Australis Việt Nam, Trấn Phú, Marvin, Trường Phát…
“Nuôi biển còn tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao nên sản xuất kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, thiếu bền vững, dịch bệnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bão gió; công nghệ lồng nuôi chưa đáp ứng…”, ông Ngô Thế Anh nhận định.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngành thủy sản tập trung vào các giải pháp gồm đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ thức ăn công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phát triển công nghệ nuôi, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, công nghệ sinh học và khuyến ngư. Tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bảo vệ an toàn cho lồng bè, lao động... Đối với phát triển công nghiệp phụ trợ và dịch vụ là các chính sách liên kết với công nghiệp đóng tàu, dầu khí, hóa chất và cơ khí chế tạo để phát triển, hoàn thiện công nghệ sản xuất lồng, bè.
Cục Thủy sản đang tập trung xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Luật thủy sản 2017 và các quy định hiện hành.
Nhân dịp này, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã tham gia chuyến đi thực tế tới thăm trang trại nuôi cá của Công ty TNHH Australis Việt Nam ngoài Vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu về các phương thức nuôi biển công nghiệp và các trang thiết bị hệ thống tự động giúp giảm phát thải carbon từ hoạt động nuôi trồng thủy sản.