Không quá dồn dập như giai đoạn trước song nhiều nhà đầu tư tiếp tục lên kế hoạch mở rộng hoặc xây mới các khu công nghiệp tại Việt Nam.
VỐN CHẢY MẠNH VÀO HẠ TẦNG KHU CÔNG NGHIỆP
Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Vina CPK (Singapore) cho biết, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng diện tích đất công nghiệp 100 ha tại khu công nghiệp Bá Thiện II (Vĩnh Phúc), Vina CPK đang tìm kiếm cơ hội để phát triển những khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng của nhà đầu tư nước ngoài.
"Rất nhiều nhà đầu tư ngoại tiếp xúc với Vina CPK để tìm hiểu về nhu cầu thuê mặt bằng đặt nhà máy, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ. Đáng tiếc, có trường hợp chúng tôi buộc phải từ chối nhà đầu tư nước ngoài vì không có đủ mặt bằng để giao ngay cho họ", ông Quang chia sẻ.
Điều này là khá dễ hiểu khi làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong thời gian gần đây vẫn khá tích cực. Các doanh nghiệp ngoại đến từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore... vẫn gia tăng các chuyến đi đến Việt Nam để tìm mặt bằng mở nhà máy nhằm phục vụ cho chiến lược đầu tư mở rộng sản xuất.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), mặc dù việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất trong giai đoạn gần đây có giảm xuống so với trước thời điểm xảy ra Covid-19 nhưng xu hướng này đang có tín hiệu khởi sắc trở lại khi các cuộc trao đổi trực tuyến giữa nhà đầu tư ngoại với các khu công nghiệp vẫn được duy trì ổn định và thường xuyên.
Một báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp được Công ty CBRE Việt Nam công bố gần đây nhận định, từ năm 2020 trở đi, khách thuê đất tại các khu công nghiệp có xu hướng mở rộng sản xuất bằng cách tìm thuê đất tại các khu vực mới nổi. Hiện các chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam nên nhu cầu tìm kiếm bất động sản công nghiệp cũng đang lớn dần.
Đứng trước nhu cầu này, nhiều địa phương chủ động đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn cũng như chuẩn bị hạ tầng nhằm sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài trong làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu.
Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa bổ sung loạt khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới để đón sóng FDI. Đó là khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2 do Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà làm nhà đầu tư trên diện tích 162,33 ha với nguồn vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. Hay dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Sông Lô I với diện tích đất sử dụng là 177,36 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
ĐIỂM SÁNG THU HÚT FDI
Theo các chuyên gia nghiên cứu, trong thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại tại khu vực ASEAN.
Mới đây nhất, Foxconn đã đầu tư hơn 270 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất, gia công laptop, máy tính bảng... Không chỉ vậy, doanh nghiệp công nghệ này cũng đã có buổi gặp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm có diện tích 100-150 ha để đầu tư xây dựng nhà xưởng lên tới 1,3 tỷ USD, doanh số xuất khẩu 10 tỷ USD một năm.
Những dự án có quy mô "khủng" này dự báo sẽ kéo theo rất nhiều nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất của Foxconn tới Việt Nam, điều tương tự như Samsung, Toyota, Piaggio... đã từng làm trước đây. Vì vậy, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong 5 - 10 năm tới nhờ vào nhu cầu lớn trong việc thiết lập nhà xưởng của các nhà đầu tư mới và hiện hữu.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong hơn 30 năm thu hút FDI, có 3 làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp vào Việt Nam và làn sóng sau mạnh mẽ hơn làn sóng trước. Làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996, làn sóng thứ hai năm 2008 và làn sóng thứ 3 năm 2020. Lần này mạnh mẽ hơn các lần trước, bắt nguồn từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước sang Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường năng lực sản xuất cũng như tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP...
Còn theo Ngân hàng thế giới (WB), hiện nay Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp hàng đầu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều xem Việt Nam là một điểm đến ưu tiên. "Đây là kết quả của việc Chính phủ vừa kiểm soát tốt dịch, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế. Hơn nữa, với những cơ hội từ các hiệp định thương mại đem lại, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn được đánh giá cao", WB nhận định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020, đã có 4 Khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là: Khu công nghiệp Becamex Bình Định - tỉnh Bình Định (1.000 ha), Khu công nghiệp Ledana - tỉnh Bình Phước (424,54 ha), Khu công nghiệp quốc tế Trường Hải - tỉnh Long An (162 ha) và Khu công nghiệp Trần Đề - tỉnh Sóc Trăng với tổng diện tích đạt 1.746,54 ha và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 1 Khu công nghiệp là Khu công nghiệp Phú Tân - tỉnh Bình Dương với quy mô diện tích 133,29 ha.
Trong số 369 Khu công nghiệp đã được thành lập nêu trên, có 284 Khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 85 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,1 nghìn ha và 85 Khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 29 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 16,5 nghìn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các Khu công nghiệp đạt 42,2 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp đạt 57,4%, riêng các Khu công nghiệp đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 70,2%. Các Khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 3,83 triệu lao động trực tiếp...