Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về "Thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Điểm nghẽn và giải pháp" đã chỉ ra rằng: "sức hút" của "thỏi nam châm" vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang giảm dần.
Điều này thể hiện rất rõ ở quy mô các dự án đầu tư FDI ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ khoảng 10 triệu USD, thấp hơn mức bình quân cả nước 12,42 triệu USD. Thậm chí, quy mô bình quân một dự án ở thành phố Hồ Chí Minh còn rất thấp, chỉ 5,56 triệu USD.
NƠI TẬP TRUNG NGUỒN VỐN FDI LỚN
8 tỉnh/thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tuy chỉ chiếm 20% dân số nhưng đóng góp tới 45% GDP; thu ngân sách chiếm 40% nhưng chi ngân sách chỉ chiếm 20%. Riêng thành phố Hồ Chí Minh có thể được ví như "trụ cột phát triển" của cả vùng, chiếm 42% tổng dân số, 56% vốn đầu tư xã hội, và đóng góp 51% vào GDP của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đáng chú ý, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi tập trung số lượng các khu công nghiệp lớn nhiều nhất trong cả nước. Tại đây có Khu công nghệ cao, 2 khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung, Công viên phần mềm Quang Trung và hàng chục khu công nghiệp thu hút khác như Biên Hòa, Nhơn Trạch, Loteco, Amata (Đồng Nai), Sóng Thần, Việt Nam - Singapore, Việt Hương, Nam Tân Uyên, Mỹ Phước, Đồng An (Bình Dương), Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh)...
Ngoài ra còn có một số khu công nghiệp tập trung ở Long An (Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Đức Hòa); Mỹ Tho – Tiền Giang (Khu công nghiệp Mỹ Tho (79,14 ha), Khu công nghiệp Tân Hương (197 ha), Khu công nghiệp Long Giang (600 ha), Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu Khí (1.000 ha), Cụm Trung An (17 ha), Cụm Tân Mỹ Chánh (23,57 ha)...
Theo đó, nguồn vốn FDI mà các nhà đầu tư nước ngoài rót vào vùng chiếm gần một nửa tổng giá trị thu hút FDI của cả nước. Tính tới cuối năm 2019, giá trị đăng ký các dự án FDI còn hiệu lực chiếm 48,1% cả nước với hơn 3.600 dự án đang hoạt động, vốn thực hiện hơn 41 tỷ USD. Các tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu lần lượt đứng thứ 1, 3, 4, 5 cả nước về thu hút FDI. Trong đó, dầu khí, dày da, dệt may, điện tử, cơ khí, hóa chất, phân bón, cán thép... là các ngành công nghiệp quan trọng nhất của vùng.
Tuy nhiên, các khu vực còn lại trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang có tổng vốn đăng ký chưa cao mặc dù số lượng dự án FDI cao,. Điều này cho thấy quy mô của dự án còn thấp. Trong đó, Tiền Giang có số lượng dự án luỹ kế đến 20/12/2020 là thấp nhất với 131 dự án.
SỨC HẤP DẪN TỪ CHÍNH SÁCH
Theo thống kê của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trong vùng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã chủ động áp dụng nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút vốn FDI. "Các tỉnh, thành phố trong vùng đã tích cực xây dựng và triển khai các quy hoạch như quy hoạch phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch,... để tạo điều kiện thu hút đầu tư, triển khai thực hiện dự án", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Long An, để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng - kỹ thuật để sớm đưa khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, một số Ban quản lý Khu Công nghệ cao, Khu công nghiệp được thành lập thường xuyên có sự phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố nhằm tạo đòn bẩy trong thu hút FDI, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức các buổi tiếp xúc, làm việc giữa lãnh đạo, các cơ quan có thẩm quyền với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đăng ký, nâng cao chất lượng của hoạt động đầu tư nước ngoài.
Các địa phương khác trong vùng như Bình Dương, Đồng Nai,... đã công khai hóa quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài trên mạng, qua đó cung cấp thông tin cho nhà đầu tư về các thủ tục liên quan, quy trình thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
"Nguyên tắc là luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hiện hành của Nhà nước và triển khai thực hiện bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế", ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định.
SỨC HẤP DẪN VƠI DẦN?
Mặc dù vốn FDI đổ vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn song theo CIEM sức hút của vùng đang "vơi dần" khi quy mô dự án FDI giảm. Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, việc thiếu vắng các dự án đầu tư hạ tầng lớn đang khiến vùng kinh tế nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng không thể thu hút các tập đoàn quy mô lớn, với tri thức quản lý hiện đại để dẫn dắt sự phát triển.
"Một hệ quả từ tỷ lệ chi ngân sách quá thấp đó là thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế thiếu hụt nguồn lực để đầu tư và tái đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nội đô và giao thông liên kết. Các tuyến đường cửa ngõ nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các khu vực lân cận ở Đông và Tây Nam bộ luôn trong tình trạng "kẹt cứng" vì ách tắc giao thông làm chi phí sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu bị đội lên quá cao, từ đó làm giảm sức cạnh tranh và sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư", ông Cung nhấn mạnh.
Cùng với đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa tạo được liên kết với các vệ tinh tăng trưởng xung quanh và chưa tận dụng được mối liên hệ này làm bệ phóng cho sự phát triển của riêng mình và cho toàn khu vực. Gần kề với hai trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn ở phía Nam là Bình Dương và Đồng Nai, nhưng thành phố Hồ Chí Minh lại rất yếu kém các dịch vụ phục vụ cho ngành chế tạo sản xuất. Ngành dịch vụ hàng đầu của thành phố là buôn bán bất động sản trong khi dịch vụ logistics (phục vụ chế tạo sản xuất) chỉ xếp thứ 5.
Do vậy, trong thời gian tới, để chuẩn bị sẵn sàng đón đầu làn sóng đầu tư sau dịch bệnh, để thu hút các "đại bàng" đến làm tổ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các địa phương có tinh thần chủ động, nhất quán về chính sách, chuẩn bị môi trường đầu tư thuận lợi nhất và nguồn nhân lực để tận dụng cơ hội này. Đồng thời, tập trung giải ngân nhanh vốn đầu tư công, trong đó trọng tâm là các dự án kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, phát triển đô thị. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.