October 17, 2022 | 10:36 GMT+7

Tax, laws and customs up for discussion

Ánh Tuyết -

The EY Vietnam Consulting Joint Stock Company (EY Consulting Vietnam) and the CFO Club of Vietnam (CFO Vietnam) co-organized an event on October 14 on tax, laws, and customs, with the theme “Overcoming Challenges to Growth”. EY Consulting Vietnam said businesses are facing difficulties in implementing certain tax regulations, especially those related to foreign contractor taxes and corporate income taxes. Recognizing the problems, the government has recently issued a tax reform strategy to 2030.

Photo: VnEconomy
Photo: VnEconomy

Ngày 14/10, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting Việt Nam) và Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) đồng tổ chức sự kiện cập nhật và đối thoại về thuế, pháp lý và hải quan với chủ đề “Vượt qua thách thức để tăng trưởng”.

Đây là sự kiện thường niên giúp doanh nghiệp nắm bắt về xu hướng và thay đổi mới nhất của môi trường chính sách thuế trong nước và quốc tế, cùng những phân tích chuyên sâu về những cơ hội và ảnh hưởng tiềm tàng đối với doanh nghiệp.

TRUY THU THUẾ TĂNG 

Thông tin tại sự kiện, đại diện EY Consulting Việt Nam cho hay thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam thực thi nhiều chính sách ưu đãi về thuế và tài chính, trợ lực giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, tuy nhiên, dự kiến nhiều chính sách ưu đãi sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2022.

Cùng với đó, chính sách thuế trong giai đoạn sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực đảm bảo nguồn thu ngân sách, bởi các nhà làm chính sách phải cân bằng đối bài toán - chính sách thuế góp phần thúc đẩy tăng trưởng và các chính sách, biện pháp thuế nhằm tăng thu ngân sách hiệu quả.

Đáng lưu ý, theo chia sẻ của bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc EY Consulting Việt Nam, chính sách thuế toàn cầu và khu vực đang thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hóa nền kinh tế.

Những xu hướng lớn này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, cũng như nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.

Do đó, "để tránh những tổn thất và nguy cơ bị xử phạt không đáng có, cũng như nắm bắt được cơ hội từ xu hướng thuế trong thời gian tới, doanh nghiệp cần tăng cường nguồn lực để hiểu và tuân thủ các nghĩa vụ thuế của mình", bà Hương nhấn mạnh.

Toàn cảnh sự kiện cập nhật và đối thoại về thuế, pháp lý và hải quan với chủ đề “Vượt qua thách thức để tăng trưởng”.
Toàn cảnh sự kiện cập nhật và đối thoại về thuế, pháp lý và hải quan với chủ đề “Vượt qua thách thức để tăng trưởng”.

Đáng nói, do lúng túng trong thực thi hay cố tình không tuân thủ pháp luật về thuế mà hàng loạt doanh nghiệp bị truy thu và phải nộp các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp tương ứng. 

 

Một con số đáng chú ý được bà Hương Nguyễn, Tax Partner, EY Consulting Việt Nam chia sẻ tại sự kiện đó là 9 tháng của năm 2022, số cuộc thanh tra kiểm tra khá tương đồng so với những năm trước, tuy nhiên, số tiền truy thu thuế tăng đột biến so với năm trước, lên đến 132%.

Như vậy, từ nay đến cuối năm, chắc chắn sẽ có thêm nhiều cuộc thanh tra kiểm tra tại bàn cũng như tại doanh nghiệp.

Trong đó, một số đối tượng doanh nghiệp sẽ rơi vào "tầm ngắm" thanh tra như: các doanh nghiệp có độ rủi ro cao, doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid, thanh tra hành vi chuyển giá, thanh tra những doanh nghiệp đang hưởng ưu đãi hoặc thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng tại những doanh nghiệp có số hoàn vốn lớn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị và cập nhật những thay đổi về chính sách thuế trong năm vừa qua.

GỠ VƯỚNG CHO DOANH NGHIỆP, LOẠT CHÍNH SÁCH ĐƯỢC ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI

Thông tin cụ thể hơn những vướng mắc trong thực thi chính sách thuế của doanh nghiệp, bà Hương Nguyễn cho biết về hoá đơn điện tử, từ ngày 1/7 vừa qua, hoá đơn điện tử được phủ sóng trên 63 tỉnh thành. 

Kết quả triển khai toàn quốc đến ngày 15/9, tổng số lượng hóa đơn tiếp nhận và xử lý lên tới hơn 1.365 triệu hóa đơn; trong đó, hóa đơn có mã: 387,7 triệu hóa đơn và hóa đơn không mã: 977 triệu hóa đơn.

Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc về hóa đơn khi triển khai, do đó, Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến để sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ

Lấy dẫn chứng sự khó khăn của doanh nghiệp logistics, bà Hương Nguyễn cho hay một ngày loại hình doanh nghiệp này phải vận chuyển rất nhiều chuyến hàng, thế nhưng mỗi chuyến hàng lại yêu cầu một hóa đơn dịch vụ.

"Như vậy thực sự quá vất vả cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị băn khoăn liệu có thể lập bảng kê đính kèm hoá đơn hay không?", bà Hương Nguyễn đặt vấn đề.

Quy định này hiện vẫn chưa giải quyết được, do đó, đại diện EY đề xuất dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 về hóa đơn cần bổ sung quy định rõ các trường hợp được lập và không được lập bảng kê đính kèm.

Hay về chiết khấu thương mại, theo bà Hương Nguyễn, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng hóa đơn cho phần chiết khấu thương mại phát hành vào cuối mỗi kỳ bán hàng sẽ được ghi số âm cho giá trị chiết khấu thương mại. Tuy nhiên, một số cơ quan thuế đưa ra hướng dẫn doanh nghiệp không phát hành hóa đơn ghi dấu âm (-) trong tình huống này".

Hay doanh nghiệp cũng băn khoăn về việc lệch thời gian, giữa thời điểm ký số với thời điểm lập hóa đơn bao lâu, 1 tuần 2 tuần hay thậm chí cả tháng có vấn đề gì không? Do đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 123/2020 cần quy định khoảng thời gian tối đa giữa hai thời điểm ký số và thời điểm lập hoá đơn.

Ngoài ra, trước đây khi một hóa đơn làm sai, xuất sai phải điều chỉnh; có 10 hóa đơn sai phải xuất 10 hóa đơn điều chỉnh tương ứng. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp xuất hàng chục hóa đơn trong năm nhưng đến cuối năm mới phát hiện lỗi, muốn điều chỉnh cũng rất mệt mỏi. Do đó, trong tình huống này, nghị định cần cho phép xuất một hóa đơn để điều chỉnh đối với một loạt hóa đơn trước đó.

Về thuế nhà thầu nước ngoài, theo bà Hương Nguyễn, dù không có quy định mới thế nhưng đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, hàng hóa thông qua những nền tảng thương mại điện tử, website thương mại điện tử của các nhà cung cấp nước ngoài, khi Luật Quản lý thuế hay Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/20/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế ban hành, dư luận rất xôn xao về việc các nhà cung cấp ở nước ngoài đều phải kê khai, đăng ký thuế trên nền tảng kê khai thuế điện tử, áp dụng riêng đối với nhà cung cấp nước ngoài.

Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam thắc mắc rằng doanh nghiệp nước ngoài đã tự đăng ký kê khai, doanh nghiệp Việt cần kê khai nữa không?

Ở một số công văn hướng dẫn, cục thuế các tỉnh, thành cho hay nếu nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê, khai thuế và nộp thuế ở Việt Nam thì bên Việt Nam không phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.

Tuy nhiên, vấn đề hết sức nhức nhối ở đây là trong thuế nhà thầu, bao giờ cũng có 2 khoản, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Thông thường, thuế VAT nộp thay cho nhà thầu nước ngoài doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, căn cứ vào chứng từ, giấy nộp tiền ngân sách nhà nước. Thế nhưng khi nhà cung cấp nước ngoài tự kê khai cho nên doanh nghiệp không có chứng từ này.

Trong khi đó, "cục thuế địa phương đang hướng dẫn không được khấu trừ, đây cũng là một điểm vướng mắc, vì vậy, cần phải thay đổi cho phù hợp", bà Hương Nguyễn nhấn mạnh.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi và hy vọng Nghị định sửa đổi 126 càng sớm càng tốt, bởi theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải tạm nộp 75% thuế thu nhập doanh nghiệp của 3 quý trước ngày 30/10 hàng năm. Thế nhưng thời điểm này đang đến gần nhưng nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành, sẽ tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp.

Quy định này trước đây vấp phải sự phản đối của doanh nghiệp do quy định này gây khó khăn cho dòng tiền của doanh nghiệp, bởi một số ngành như bất động sản, thương mại, đầu tư... thường có doanh thu rơi vào cuối năm. Do không thể dự báo trước doanh thu, lợi nhuận quý 4 nên nếu nộp thuế trước thì thực sự khó khăn về dòng tiền của doanh nghiệp. Đồng thời, phạt tiền chậm nộp trên số ước tính là chưa hợp lý...

 

Tại sự kiện, các chuyên gia của EY Consulting Việt Nam chia sẻ những thông tin mới nhất về bối cảnh thuế tại Việt Nam; cập nhật các quy định mới về thuế tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022; đồng thời, thông tin về các thay đổi về chính sách thuế quốc tế trọng yếu, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư tại Việt Nam, bao gồm Chương trình hành động chống xói mòn lợi nhuận (BEPS 2.0) và Hiệp định thuế đa phương về thực thi các biện pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (MLI) mà Việt Nam mới tham gia.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate