July 23, 2021 | 17:31 GMT+7

"Thách thức" cơ quan quản lý để IPO ở Mỹ, Didi có thể lĩnh án phạt kỷ lục

Đức Anh -

Các nhà chức trách xem việc Didi vẫn quyết định IPO bất chấp sự phản đối của Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) là hành động "thách thức"...

Cổ phiếu Didi lao dốc sau loạt động thái của nhà chức trách Trung Quốc - Ảnh: Getty Images
Cổ phiếu Didi lao dốc sau loạt động thái của nhà chức trách Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, các nhà chức trách Trung Quốc đang cân nhắc áp các án phạt chưa có tiền lệ đối với Didi Global Inc. - đứng sau ứng dụng gọi xe Didi Chuxing, sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gây tranh cãi của công ty này tại Mỹ hồi tháng trước. 

QUYẾT ĐỊNH "THÁC THỨC" CƠ QUAN QUẢN LÝ

Nguồn tin giấu tên cho biết, các nhà chức trách xem việc Didi vẫn quyết định IPO bất chấp sự phản đối của Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) là hành động "thách thức".

CAC cho biết cơ quan này cùng Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước, Bộ Tài nguyên, cùng với các cơ quan quản lý thuế, vận tải và chống độc quyền của Trung Quốc đã khởi động một cuộc điều tra tại các văn phòng của Didi. 

Các nhà chức trách cũng đang cân nhắc thi hành một loạt hình phạt, bao gồm phạt tiền, dừng một số hoạt động hoặc đưa vào một nhà đầu tư nhà nước vào công ty này. Ngoài ra, công ty này có thể bị buộc hủy niêm yết hoặc thu hồi cổ phiếu đã phát hành tại Mỹ. Tuy nhiên, chưa rõ hình phạt này, nếu áp dụng, sẽ được thực thi như thế nào. 

Cuộc thảo luận giữa các cơ quan đang ở giai đoạn sơ bộ và chưa chắc chắn về kết quả. Tuy nhiên, nguồn tin trên cho biết các nhà quản lý Bắc Kinh có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn với Didi so với án phạt tiền kỷ lục 2,8 tỷ USD với tập đoàn Alibaba hồi tháng 4.

Alibaba bị phạt sau một cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài nhiều tháng và đã buộc phải đưa ra các biện pháp nhằm bảo vệ nhà cung cấp và khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử của mình. 

“Thật khó đoán được hình phạt (đối với Didi) sẽ như thế nào, nhưng tôi chắc chắn rằng đó sẽ là hình phạt rất nghiêm trọng”, giáo sư về chính phủ Minxin Pei tại trường Cao đẳng Claremont McKenna tại bang California (Mỹ), cho biết.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/7 trên sàn chứng khoán New York, cổ phiếu Didi sụt hơn 11% giá trị xuống còn 10,2 USD. Giá IPO của cổ phiếu này là 14 USD. 

TỪ THÀNH CÔNG THÀNH "VẬN ĐEN" DAI DẲNG

IPO của Didi ban đầu được xem là một thành công lớn khi huy động được 4,4 tỷ USD sau nhiều năm chật vật. Thương vụ chào bán cổ phiếu này đưa người đồng sáng lập Cheng Wei lên hàng ngũ tỷ phú USD và mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư lâu năm như SoftBank Group Corp., Tiger Global Management và Temasek Holdings Pte.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, tình hình thay đổi hoàn toàn khi CAC công bố cuộc điều tra về an ninh mạng liên quan tới việc sử dụng dữ liệu người dùng của Didi và nhanh chóng đưa ra lệnh cấm với ứng dụng của công ty này. Lập tức, cổ phiếu Didi bắt đầu trượt xuống dưới mức giá IPO.

Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, dù ủng hộ việc một công ty IPO, nhưng các nhà chức trách Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc sử dụng dữ liệu người dùng của Didi ít nhất từ tháng 4/2021. Một trong những quan ngại là việc Didi tiết lộ dữ liệu về chuyến xe của các quan chức chính phủ trên ứng dụng gọi xe của công ty.

CEO Will Wei Cheng (trái) và Chủ tịch Jean Qing Liu của Didi - Ảnh: Forbes
CEO Will Wei Cheng (trái) và Chủ tịch Jean Qing Liu của Didi - Ảnh: Forbes

Theo nguồn tin, các nhà chức trách sau đó đã yêu cầu Didi đảm bảo an ninh dữ liệu của người dùng trước khi thực hiện IPO hoặc chuyển địa điểm niêm yết về Hồng Kông hoặc Trung Quốc đại lục - những nơi có ít rủi ro liên quan tới an ninh dữ liệu hơn. 

“Các nhà chức trách cũng không cấm Didi IPO tại Mỹ nhưng họ chắc rằng công ty này đã hiểu về các hướng dẫn chính thức của cơ quan quản lý”, nguồn tin nói với Bloomberg. 

“Bạn không thể đánh thức một người đang giả vờ ngủ”, một nguồn tin từng tham gia các cuộc họp giữa nhà chức trách với Didi trả lời khi được hỏi tại sao công ty này không làm theo đề xuất của cơ quan quản lý. 

Theo một số quan chức Bắc Kinh, Didi gấp rút IPO ngay trước khi Trung Quốc ban hành luật mới về an ninh mạng, điều có thể tổn hại tới định giá của công ty. Chỉ vài ngày sau IPO của công ty này, Bắc Kinh đã đề xuất dự thảo luận mới, trong đó yêu cầu gần như tất cả doanh nghiệp nước này đang muốn IPO ở nước ngoài phải trải qua một cuộc đánh giá về an ninh mạng của CAC.

"Bắc Kinh muốn các doanh nghiệp trong lĩnh vực internet hiểu rằng an ninh mạng và bảo mật dữ liệu hiện là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ và có thể hy sinh lợi nhuận của các công ty tư nhân khi an ninh mạng và bảo mật dữ liệu gặp rủi ro", nhà phân tích Feng Chucheng của công ty tư vấn Plenum ở Bắc Kinh nhận xét. 

Trở lại với nhà đồng sáng lập Didi, cổ phiếu lao dốc khiến khối tài sản ròng của Wei Cheng - hiện là CEO của công ty, sụt khoảng 400 triệu USD chỉ trong một ngày. Trong khi đó, chủ tịch Jean Qing Liu cũng không còn là tỷ phú.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate