Hiệp hội đại lý du lịch Thái Lan mới đây vừa lên tiếng kêu gọi các nước mở cửa hơn nữa cho du lịch. Theo Hiệp hội, các biện pháp hạn chế đi lại và nhập cảnh được áp dụng ở một số quốc gia vẫn đang là những trở ngại lớn nhất trong việc mở rộng hoạt động du lịch. Hiện, một số thị trường du lịch như Hàn Quốc hoặc Hong Kong (Trung Quốc) đang tăng trưởng chậm hơn dự kiến, chủ yếu là do những địa điểm này vẫn duy trì một số yêu cầu nhập cảnh đối với du khách.
Dự kiến đạt mục tiêu 10 triệu lượt khách quốc tế vào trung tuần tháng 12, Thái Lan đã chuẩn bị sẵn một lễ kỉ niệm hoành tráng cho cột mốc quan trọng này, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, phía Cơ quan Du lịch Thái Lan (TAT) cho rằng lượng khách này đạt được nhờ nhu cầu tăng cao từ những người không thể đi du lịch trong 2 - 3 năm trước đó. Động lực này sẽ không còn, khi mùa cao điểm du lịch quốc tế kết thúc vào tháng 3/2023.
Người đứng đầu TAT – ông Yuthasak Supasorn cho rằng những vị khách quốc tế có nhu cầu du lịch và sức chi trả cao chủ yếu đi du lịch vào mùa đông năm nay và quý 1/2023: "Không còn nhu cầu bị dồn nén, ngành du lịch sẽ mất động lực thúc đẩy lượng khách. Khi vào mùa thấp điểm, Thái Lan sẽ phải ứng phó với hàng loạt yếu tố tác động tiêu cực đến ngành du lịch như suy thoái kinh tế, chi phí đi lại cao và lạm phát".
Sang năm 2023, Thái Lan muốn đón 20 triệu lượt khách quốc tế, trong đó không bao gồm khách Trung Quốc. Thị trường này được cho là không ổn định và cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng về thời điểm cũng như cách thức nới lỏng các hạn chế Covid-19. "Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm tại Trung Quốc là duy trì hình ảnh tích cực và chờ đợi. Hiện nay Thái Lan phải tăng tốc ở các thị trường khác để bù đắp sự thiếu hụt du khách Trung Quốc", ông Yuthasak nói.
Bên cạnh đó, theo Bankok Post, các quan chức du lịch tỏ ra lo ngại về tình trạng quá tải tại sân bay của thủ đô Bangkok khi Thái Lan chuẩn bị bước vào mùa cao điểm du lịch.Ông Sisdivachr Cheewarattanaporn, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Lan cho biết tình trạng quá tải tại sân bay Suvarnabhumi tại thủ đô Bangkok, được ghi nhận trong nhiều bức ảnh được lan truyền trên mạng xã hội, là một mối lo ngại đặc biệt cho giới chức Thái Lan.
Theo ông Sisdivachr, tình trạng tắc nghẽn có thể không phụ thuộc vào số lượng người đến sân bay khi số hành khách được ghi nhận vẫn ở mức thấp hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Ông Sisdivachr nhận định việc quản lý thiếu hiệu quả đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn khi các quầy làm thủ tục nhập cảnh không được mở cửa hoàn toàn. Ngoài ra, tình trạng thiếu nhân viên làm việc tại sân bay cũng được ghi nhận.
"Số lượng hành khách đến sân bay vẫn chưa quá cao. Chúng ta cần phải có biện pháp chuẩn bị tốt hơn khi số lượng chuyến bay dự kiến tăng trở lại khi Thái Lan bước vào mùa cao điểm du lịch. Không chỉ những đoàn khách cấp cao mà ngay cả những hành khách bình thường cũng cần nhận được sự chăm sóc của chúng ta", ông bổ sung.
Trong bối cảnh khó đón khách quốc tế, Thái Lan đang cố gắng giữ khách lâu hơn bằng chính sách visa 45 ngày với những thị trường được miễn visa. Theo phân tích của TAT, những vị khách quốc tế lưu trú dài ngày có thể chi tiêu nhiều hơn từ 20 – 30% so với mức trung bình hiện nay. "Du khách châu Âu chắc hẳn đã tận dụng chính sách lưu trú dài hạn, vì nhiều khách sạn ở Phuket cho biết đã chật kín phòng vì những vị khách châu Âu muốn lưu lại lâu hơn", ông Yuthasak cho biết.
Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã giới thiệu thị thực mới vào tháng 9, được gọi là thị thực cư trú dài hạn, như một phần trong chiến lược thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Nó cho phép chủ sở hữu ở lại trong nước trong 10 năm và cấp cho họ mức thuế thu nhập cá nhân ưu đãi. Thời gian nộp đơn bắt đầu vào ngày 1/9. "Kể từ khi ra mắt vào ngày 1/9, cho đến nay, hơn 1.600 ứng viên đã nộp đơn," Narit Therdsteerasukdi, tổng thư ký của Ủy ban Đầu tư Thái Lan, cho biết. Chia sẻ thêm, ông nói người Mỹ là nhóm lớn nhất theo quốc tịch, tiếp theo là người Trung Quốc, Anh và Đức.
Thị thực này nhằm thu hút các chuyên gia nước ngoài trong các lĩnh vực như xe điện và công nghệ sinh học, những người lao động từ xa muốn làm việc từ Thái Lan và những người về hưu giàu có. Narit tiết lộ những người đã nộp đơn cho đến nay "hầu hết là những người làm việc từ xa và những người đã nghỉ hưu, nhưng những người lao động có tay nghề cao cũng có số lượng đơn đăng ký cao".
Chính phủ kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 3% đến 4% trong năm tới, chủ yếu nhờ sự phục hồi của ngành du lịch, vốn chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan trước đại dịch. Các ngành công nghiệp Thái Lan cũng được kỳ vọng bởi những hành động thúc đẩy đầu tư và thu hút nhân tài cho công nghệ cao, đặc biệt là với dân số đang già đi nhanh chóng.