Sau màn kéo thốc tăng khá mạnh vài phút mở cửa, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng, VN-Index trồi sụt quanh tham chiếu. Nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn đang nỗ lực giữ nhịp cân bằng, trong khi nhóm đầu cơ hạ nhiệt rất nhanh. Độ rộng liên tục co hẹp trong phiên sang nay thể hiện áp lực bán khá lớn ở nhóm này.
VN-Index tăng cao nhất lúc 9h40, tăng 0,63% so với tham chiếu, nhưng kết phiên chỉ còn tăng 0,01% tương đương 0,07 điểm. VN30-Index tăng 0,08%, Midcap giảm 0,02% và Smallcap giảm 0,23%.
Điều đáng quan tâm là độ rộng, sàn HoSE đang cho thấy đà trượt giảm rất rõ. Lúc VN-Index tăng tốt nhất, chỉ số này có 228 mã tăng/88 mã giảm. Đến khoảng 10h30 độ rộng đã cân bằng, nghĩa là cả trăm cổ phiếu bắt đầu rơi qua tham chiếu. Kết phiên số mã giảm vượt trội với 217 mã, số tăng chỉ còn 149 mã.
Riêng VN30 đang khá cân bằng, 13 mã tăng/15 mã giảm. Dĩ nhiên so với thời điểm đầu phiên tới 26 mã tăng giá thì rổ này cũng đã suy yếu đi nhiều. Tới 18 mã đã tụt khỏi đỉnh từ 1% trở lên, trong đó NVL, PDR, VIB tụt trên 2%. Dù vậy tổng thể biên độ giảm ở nhóm này không nhiều, PDR giảm 1,69%, MWG giảm 1,63%, NVL giảm 0,96% là 3 mã đáng kể nhất. Số này ảnh hưởng cũng nhẹ lên chỉ số và thực tế thì PDR, NVL cũng chỉ là các cổ phiếu được đầu cơ mạnh thời gian qua.
Hiện nhóm tăng giá vẫn đang có nhiều cổ phiếu giao dịch mạnh. Tổng thanh khoản nhóm này chiếm khoảng 44,7% tổng khớp sàn HoSE. Dù vậy mức thanh khoản này chỉ tập trung vào rất ít cổ phiếu, cho thấy dòng tiền ngày càng cô đọng ở vài mã chính. VND tăng 1,34% với 376 tỷ đồng; VPB tăng 1,79% với 353,5 tỷ; CTG tăng 2,12% với 180,1 tỷ; VSC tăng 5% với 116,9 tỷ; NLG tăng 1,49% với 80,9 tỷ… là các cổ phiếu thanh khoản lớn nhất và có biên độ tăng mạnh trên 1%.
Nhóm VN30 sáng nay thật sự là nòng cốt của thị trường, khi vừa nâng đỡ chỉ số, vừa kiến tạo thanh khoản. Tổng khớp nhóm này đạt 2.834,5 tỷ đồng, tăng 15,3% so với sáng hôm qua trong khi sàn HoSE lại giảm thanh khoản khoảng 1%. Như vậy các nhóm còn lại đều giảm giao dịch. Tỷ trọng thanh khoản của rổ VN30 cũng chiếm tới 40,1% sàn. HoSE đang có 17 mã khớp từ 100 tỷ đồng trở lên thì 11 mã thuộc nhóm VN30.
Dĩ nhiên biên độ tăng của các blue-chips không thể bằng các mã đầu cơ chính vì thanh khoản cao. Trong 20 mã đang tăng vượt 2% ở HoSE, duy nhất lọt vào CTG. Các cổ phiếu còn lại, kể cả kịch trần như DXV, ADG, DTA, RDP, HVX, L10 thì đều giao dịch rất nhỏ. Phần lớn các mã còn lại của nhóm tăng tốt nhất này cũng chỉ khớp vài triệu tới vài trăm triệu đồng thanh khoản.
Điểm tích cực trong xu hướng trượt dốc giảm sáng nay – thể hiện ở độ rộng co hẹp dần – là biên độ giảm cũng còn nhẹ. HoSE mới có 89 mã giảm quá 1%, một số thanh khoản cao thể hiện áp lực bán mạnh như MBB, TTF, DLG, EVG, LDG, HAX, CTD, TCD, HQC, HSG, NKG… Nói chung nhiều mã trong nhóm này tăng giá mạnh vừa rồi nên lúc nào cũng sẵn sàng áp lực chốt lời lớn.
Việc các blue-chips nổi lên giữ cân bằng thị trường là tín hiệu tốt, vì VN-Index đang đứng ngay tại đỉnh cao cũ. Các blue-chips mới là yếu tố quyết định khả năng vượt lên đỉnh cao mới hay không. Việc dòng tiền nóng chốt lời ở các mã đầu cơ là bình thường và không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng chỉ số. Hiện ảnh hưởng xấu đến chỉ số chỉ có VCB giảm 0,59%, chủ yếu do vốn hóa cao. Thị trường đang đứng trước thời điểm nhảy cảm khi đợt đáo hạn phái sinh sẽ diễn ra trong phiên ngày mai. Đồng thời, quyết định tăng lãi suất của FED như thế nào cũng sẽ được chốt cùng thời điểm.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng mua ròng khá tốt blue-chips, với tổng mức ròng tại HoSE là +120,4 tỷ đồng. HPG được mua tốt nhất 81,9 tỷ, SSI +31,4 tỷ, VND +29,6 tỷ, KBC +25,9 tỷ, HSG +23,6 tỷ, VHM +23,2 tỷ. Phía bán ròng có VNM -51,1 tỷ, CTG -32 tỷ.