Thông tin được phản ánh trong báo cáo thị trường lao động tháng 12/2024 vừa phát hành của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Báo cáo cho thấy trong tháng cuối năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tăng nhanh nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao điểm các dịp nghỉ lễ lớn cuối năm.
LAO ĐỘNG CÓ TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC TRỞ LÊN ĐƯỢC "SĂN ĐÓN"
Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thống kê TP. Hà Nội, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 12 ước tăng 0,5% so với tháng trước, và tăng 1,6% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,6% so với năm trước.
Trong tháng 12, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng trở lại, góp phần tác động tích cực đến thị trường lao động. Ước tính nhu cầu tuyển dụng trên toàn thành phố trong tháng 12 khoảng 41.262 vị trí.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 6.161 việc làm trống của 2.878 doanh nghiệp tại Trung tâm, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như: Bán buôn, bán lẻ và hoạt động dịch vụ khác, chiếm khoảng 55,15% (tăng 0,89 điểm % so với tháng trước), tiếp đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo - xây dựng.
Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là vị trí nhân viên dịch vụ và bán hàng; thợ/công nhân kỹ thuật. Mức lương chủ yếu được các doanh nghiệp chi trả cho người lao động từ 5 - 10 triệu đồng (chiếm 79,12% tổng số nhu cầu tuyển dụng). Số vị trí được chi trả mức lương từ 10 - 20 triệu đồng chỉ chiếm 15,55%.
Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng thực hiện khảo sát, thu thập thông tin 5.461 hồ sơ người tìm việc của người lao động tại Trung tâm, cho thấy số người tìm việc mong muốn mức lương từ 10 - 20 triệu đồng cao hơn số vị trí được doanh nghiệp dự kiến chi trả, chiếm 16,19%. Tuy nhiên, số người tìm việc muốn mức lương từ 5 - 10 triệu đồng khá tiệm cận với mức chi trả của doanh nghiệp, chiếm 79,42%.
Theo khảo sát, 49,58% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ từ đại học trở lên, trong khi chỉ 23,24% người đi tìm việc đạt yêu cầu này.
Chỉ 12,61% vị trí được tuyển yêu cầu trình độ công nhân kỹ thuật không có bằng, chứng chỉ nghề; 24,6% vị trí được tuyển là lao động phổ thông, song có đến 39,13% người đi tìm việc chưa qua đào tạo, tập trung vào các công việc như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng...
Ước tính trên địa bàn TP. Hà Nội, khoảng hơn 21.700 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong tháng 12.
NHU CẦU TUYỂN DỤNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP FDI SÔI ĐỘNG
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bán buôn bán lẻ, công nghiệp - xây dựng, kinh doanh bất động sản có nhu cầu tuyển dụng cao, nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ cao điểm lễ Tết cuối năm 2024, đầu 2025.
Đáng chú ý, cùng với các làn sóng thu hút FDI tăng mạnh trong cuối năm 2024, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI tại Hà Nội cũng ngày càng sôi nổi. Điều này đã gây hiệu ứng tác động tích cực đến nhu cầu tuyển dụng một số ngành.
Trong đó phải kể đến công nghệ thông tin (ICT). Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông có thể tiếp tục tăng cường tuyển dụng để mở rộng hoạt động phát triển phần mềm, quản lý dữ liệu, và phát triển ứng dụng di động.
Bên cạnh đó là ngành sản xuất và công nghiệp. Do sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp FDI có thể tăng cường tuyển dụng lao động trong các lĩnh vực như sản xuất điện tử, ô tô, và điện tử tiêu dùng.
Nhóm ngành tăng tuyển dụng nữa là bất động sản và xây dựng. Các dự án bất động sản và xây dựng của các doanh nghiệp FDI có thể tiếp tục tăng cường tuyển dụng nhân lực trong các vị trí như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, và quản lý dự án.
Với ngành tài chính và ngân hàng, các ngân hàng và công ty tài chính đa quốc gia có thể tăng cường tuyển dụng nhân sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính, kế toán, và quản lý rủi ro để đáp ứng nhu cầu của môi trường kinh doanh phát triển.
Với dịch vụ và du lịch, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này có thể tăng cường tuyển dụng nhân sự trong các vị trí như lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, và nhân viên nhà hàng để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của du khách trong thời gian phục hồi sau đại dịch.
Trên địa bàn TP. Hà Nội, Luật Thủ đô có hiệu lực từ năm 2025 với nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô.
Qua đó, giúp cải thiện mạnh môi trường đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tạo động lực lớn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tích cực đến thị trường lao động Thủ đô trong thời gian tới.
Dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong tháng 1/2025 như: Bán buôn, bán lẻ; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động lu lịch và lữ hành.
Để tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương trên địa bàn thành phố trong các hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm, tuyên truyền và cung ứng kíp thời các thông tin thị trường lao động cho doanh nghiệp, người lao động.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm và các điểm sàn vệ tinh.