Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Thanh Hóa vừa thanh tra đối với 231 dự án, gồm: 145 dự án trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, 86 dự án trong lĩnh vực sản xuất. Kết quả: có 52 dự án đã hoàn thành, 55 dự án đang trong giai đoạn đầu tư, chưa chậm tiến độ, 45 dự án chậm tiến độ gần 24 tháng, 79 dự án không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai.
Trong số 79 dự án chưa sử dụng đất hoặc chậm tiến độ sử dụng đất có 73 dự án đã chậm tiến độ quá 24 tháng, 6 dự án không sử dụng đất quá 12 tháng liên tục. Đáng chú ý là 4 dự án chậm tiến độ đầu tư được tỉnh này cho gia hạn thêm 24 tháng nhưng đến thời điểm có kết quả thanh tra chủ đầu tư vẫn chậm thực hiện.
Đó là các dự án: Nhà máy liên hiệp chế biến gỗ xuất khẩu rừng Toàn Cầu tại xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn của Công ty cổ phần đầu tư phát triển rừng Bền Vững Toàn Cầu; Dự án Showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm ô tô tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương của Công ty CP Mai Linh Đông Đô; Dự án Kinh doanh dịch vụ thương mại, khách sạn tại phường Quảng Hưng, TP Thanh Hoá của Công ty cổ phần Thảo Trung; Trung tâm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bảo hành sửa chữa ô tô, xe máy phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá của Công ty TNHH Tân Hoàng Minh.
Ngoài ra, trong số các dự án bị thanh tra còn có 20 dự án vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng đã được đoàn thanh tra xử lý vi phạm hoặc kiến nghị UBND cấp huyện, cấp xã xử lý theo quy định; có 33 dự án được UBND tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cho giãn tiến độ, điều chỉnh thời gian đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chậm tiến độ kéo dài.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, việc thực tra nhằm chấn chỉnh những sai phạm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc được thực hiện minh bạch dự án của mình. Những dự án vi phạm sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa thu hồi đất theo quy định của pháp luật…
Thực tế, việc dự án liên quan đến đất đai tại Thanh Hóa bị chậm triển khai cũng không phải là mới. Khi lý giải nguyên nhân của tình trạng này ở một số dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh nhận định, quy định của pháp luật đánh giá dự án hoàn thành và không chậm tiến độ là phải xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục công trình theo dự án và mặt bằng được duyệt.
Tuy nhiên, trên thực tế có những dự án mà nhà đầu tư đã xây dựng xong các hạng mục chính, đưa vào sử dụng, hoạt động có hiệu quả; chỉ còn lại một vài hạng mục phụ trợ không ảnh hưởng đến mục đích hoạt động của dự án và nhu cầu sử dụng thấp hoặc chưa cần thiết. Một số doanh nghiệp đã không đồng thuận khi xác định là dự án chậm tiến độ đầu tư; chỉ đề nghị điều chỉnh mặt bằng dự án hoặc xin giãn tiến độ, không đồng ý xin gia hạn.
Hoặc một số dự án có thời gian thu hồi đất, nhận chuyển nhượng gặp khó khăn, vướng mắc bị kéo dài, dẫn đến khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chủ đầu tư nhận thấy cơ hội đầu tư, huy động vốn, hoạt động theo mục đích thuê đất bị bỏ lỡ, không còn hiệu quả nếu tiếp tục thực hiện.
Ngoài ra, cũng nhiều dự án mặc dù chưa hoàn thành nhưng đã đầu tư một phần và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, quá trình hoạt động gặp khó khăn về nguồn lao động, nguyên vật liệu, nguồn tiêu thụ sản phẩm dẫn đến phải tạm dừng sản xuất hoặc giảm công suất vì vậy nếu tiếp tục đầu tư sẽ không hiệu quả và ảnh hưởng lớn đến việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
Cá biệt, những dự án có hạ tầng giao thông xung quanh thuộc trường hợp Nhà nước đầu tư nhưng đến thời điểm thanh tra hạ tầng vẫn chưa đầu tư dẫn đến nếu triển khai dự án thì không hoạt động được theo mục đích thuê đất, nhất là những dự án thương mại. Nhiều dự án mặc dù đã được bàn giao đất trên thực địa nhưng không thể đầu tư do ảnh hưởng của công trình xung quanh như công trình quốc phòng, khí tượng thủy văn…