October 02, 2023 | 16:47 GMT+7

Thanh Hóa lên phương án xử lý hàng trăm trụ sở dôi dư "đắp chiếu"

Nguyễn Thuấn -

Qua nhiều năm không sử dụng, nhiều công trình công sở, trạm y tế, sân vận động và trường học dôi dư sau khi sáp nhập bị bỏ hoang và có dấu hiệu xuống cấp, gây lãng phí tài nguyên đất và ngân sách Nhà nước...

Các địa phương và người dân mong muốn lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, các đơn vị chức năng liên quan cần sớm có hướng dẫn, phương án phù hợp để chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình này, tránh lãng phí nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước.
Các địa phương và người dân mong muốn lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, các đơn vị chức năng liên quan cần sớm có hướng dẫn, phương án phù hợp để chuyển đổi mục đích sử dụng các công trình này, tránh lãng phí nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước.

Theo phòng Quản lý công sản - giá, Sở Tài chính Thanh Hóa, hiện nay tổng số cơ sở nhà đất dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính của 27 huyện, thị xã và thành phố là 789 cơ sở (tài sản công). Qua rà soát của cơ quan chức năng, cho thấy, toàn bộ 789 cơ sở nhà đất trên phần lớn còn nguyên giá trị lớn, giá trị khấu hao tài sản còn nhiều và đang còn khả năng sửa chữa, cải tạo để sử dụng. Thậm chí, ở nhiều địa phương, các công trình đang còn mới, chưa kịp đưa vào sử dụng.

Cũng theo báo cáo của Sở Tài chính, tỉnh Thanh Hóa có 101 trường trung học phổ thông, thời điểm sau sáp nhập còn 88 trường, giảm 13 trường, hiện có 8 trường thuộc diện dôi dư.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo lý giải của một số địa phương là do việc xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập còn phụ thuộc vào các quy định về quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ sở. Hướng dẫn của các Bộ, ngành về việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư chỉ quy định chung chung nên địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xử lý các nhà văn hóa thôn, xóm dôi dư khó khăn do nguồn vốn đầu tư xây dựng các nhà văn hóa chủ yếu được huy động từ nguồn đóng góp của Nhân dân.

Để giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Văn bản số 14477 để chỉ đạo rà soát, báo cáo, đề xuất xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện hoàn thành sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung và khẩn trương thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý trụ sở (nhà, đất), tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công...

Ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.
Ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý khẩn trương thực hiện rà soát, lập danh sách; trên cơ sở đó, tổng hợp, báo cáo tổng thể thực trạng công tác quản lý và sử dụng tài sản công và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn (bao gồm các đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 mà cho đến nay vẫn chưa được bố trí sắp xếp, sử dụng hiệu quả và các đơn vị dự kiến sẽ sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2030).

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa bàn sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Căn cứ phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương, UBND cấp huyện lập danh sách và dự kiến phương án xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp.

Việc lập danh sách và dự kiến phương án xử lý phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, được tổng hợp vào Đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn cấp huyện phải sắp xếp, nhưng đơn vị hành chính cấp xã đó không thuộc đối tượng chia tách, sáp nhập, hợp nhất thì việc quản lý, sử dụng và xử lý tài sản công thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công, không thống kê vào danh mục tài sản phải sắp xếp lại, xử lý khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đối với các cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng của các Bộ, cơ quan Trung ương có trụ sở cơ quan, đơn vị ngành dọc đóng tại các huyện, thị xã, thành phố thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021. Giao Sở Tài chính là cơ quan đầu mối của tỉnh, chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Trung ương để thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp trụ sở công tại các đơn vị hành chính dự kiến sắp xếp giai đoạn 2023 – 2030.

Các Sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện và tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt xử lý trụ sở, tài sản công thuộc tỉnh quản lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, đảm bảo theo quy định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate