December 01, 2023 | 18:00 GMT+7

Thanh Hóa xây tuyến cáp treo tại khu du lịch Pù Luông, chi 182 tỷ phát triển du lịch trong rừng

Song Khánh -

Tuyến cáp treo nằm trong Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc phạm vi quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Pù Luông) và kết nối với các xã vùng đệm 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa...

Khu du lịch Pù Luông
Khu du lịch Pù Luông

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch. Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Đề án thực hiện trên diện tích 16.986,16ha thuộc phạm vi quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Pù Luông) và kết nối với các xã vùng đệm 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Kinh phí dự kiến khoảng 182,93 tỷ đồng.

Chỉ tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025: Đón khoảng 15.800 lượt khách du lịch đến Pù Luông (khách quốc tế chiếm 30%, khách nội địa 70%), góp phần đạt mục tiêu 108.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 15.000 lượt khách đến huyện Quan Hóa; Doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng.

Đến năm 2030, đón được khoảng 27.000 lượt khách (khách quốc tế chiếm 35%, khách nội địa 65%) góp phần đạt mục tiêu 370.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 31.700 lượt khách đến huyện Quan Hóa. Doanh thu đạt khoảng 33 tỷ đồng, đưa tỷ trọng từ nguồn thu du lịch trở thành nguồn thu chính, tái đầu tư phát triển Pù Luông.

Định hướng đến năm 2045, đón được khoảng 50.000 lượt khách du lịch đến Pù Luông (khách quốc tế chiếm 50%, khách nội địa 50%) góp phần đạt mục tiêu 500.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 50.000 lượt khách đến huyện Quan Hóa.

Đề án cũng đặt ra yêu cầu trong thời gian đầu thu hút được ít nhất 02 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; xây dựng hoàn thiện khu hành chính tại thôn Pà Ban, xã Thành Sơn và tập trung phát triển các điểm tham quan, du lịch tại thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già; kết nối các điểm du lịch tạo thành 09 tuyến du lịch nội vùng, 07 tuyến kết nối liên vùng và 05 tuyến chạy marathon băng rừng. Tạo việc làm cho trên 300 người (trực tiếp và gián tiếp) và góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 52 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý, đề án sẽ có chính sách hấp dẫn kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu Trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông kết nối khu du lịch Cao Sơn (Thôn Son - Bá - Mười); tập trung đầu tư 3 điểm tham quan, du lịch tại quần thể Thông Pà Cò, khu du lịch Cao Sơn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông.

Đến năm 2045, tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 85,0 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 257% so với năm 2030. Trong đó: Khách lưu trú qua đêm thu khoảng 2 triệu đồng/lượt khách; khách không lưu trú qua đêm thu khoảng 0,7 triệu đồng/lượt khách; nguồn thu từ cho thuê môi trường rừng đạt ít nhất 3,0 tỷ đồng. Đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trở thành một trong những Trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh Thanh Hóa, có tính chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao.

Các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ nguyên tắc, đảm bảo thân thiện với thiên nhiên, không phá vỡ cảnh quan và chấp hành quy định tại Điều 15 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Cụ thể, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.

Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp IV miền núi, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, cầu dành cho người đi bộ ở khu rừng ngập nước.

Trong phân khu dịch vụ hành chính được xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm các nguyên tắc: Không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn, không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá cây rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường.

Đề án cũng quy định chiều cao tối đa của công trình nghỉ dưỡng không quá 12m; không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; chỉ được xây dựng các công trình ở những 9 nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi; không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate