Nhà đầu tư trong nước tiếp tục giảm mạnh giao dịch sáng nay khiến thanh khoản khớp lệnh hai sàn giảm 11% so với sáng hôm qua, xuống mức thấp nhất 12 phiên. May mắn là khối ngoại lại tăng mua vào, chiếm hơn 16% giá trị sàn HoSE, riêng với VN30, chiếm trên 26%. Nếu không nhờ khối ngoại giao dịch tại NVL, thanh khoản HoSE sáng nay giảm tới trên 20%.
Mặc dù đêm qua chứng khoán Mỹ có phiên tăng tốt ngay trước thềm quyết định tăng lãi suất của FED, nhưng thị trường trong nước vẫn không tìm kiếm được dòng tiền đủ mạnh. VN-Index trồi sụt suốt phiên quanh tham chiếu và độ rộng luôn bị áp đảo từ phía giảm.
Tổng giá trị mua vào trên HoSe sáng nay của nhà đầu tư nước ngoài đạt 941 tỷ đồng, tăng 59% so với sáng hôm qua, trong khi bán ra 559,5 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 8%. Quy mô giải ngân vượt trội mức bán ra, giúp vị thế ròng của khối ngoại đạt 381,5 tỷ đồng. HNX cũng được mua ròng nhẹ 18 tỷ.
Đối với rổ blue-chips VN30, khối ngoại giải ngân 662,1 tỷ đồng, tương đương chiếm 26,1% thanh khoản của rổ. Mức bán ra là 417,4 tỷ, tương ứng mua ròng 244,7 tỷ đồng.
Tuy vậy lượng tiền mua dồn chủ đạo vào NVL với gần 141,7 tỷ. Cổ phiếu này sau phiên bật tăng kịch trần hôm qua đã bị bán rất nhiều sáng nay. Giá cao nhất NVL đạt được là 19.000 đồng ngay lúc mở cửa, tăng kịch trần 6,74% nhưng đến cuối phiên sáng chỉ còn +1,97%. NVL đã khớp hơn 33 triệu cổ phiếu trị giá 614,3 tỷ đồng, cao nhất thị trường, trong đó khối ngoại mua khoảng 28% thanh khoản.
Nhờ giao dịch của NVL cao đột biến gấp 10 lần sáng hôm qua nên thanh khoản chung trong rổ VN30 cũng tăng gần 11% về giá trị. Nếu cùng trừ đi giao dịch của NVL, thanh khoản rổ VN30 sáng nay thực chất đã giảm tới 11% so với sáng hôm qua. Tương tự, nếu không tính giao dịch của NVL, tổng giá trị khớp của HoSE thậm chí giảm tới 20% so với sáng hôm qua.
Điều đó nghĩa là mức thanh khoản sáng nay được duy trì giảm nhẹ có công lớn của dòng vốn ngoại. Trên thực tế, nhà đầu tư trong nước giảm giảm giao dịch rất nhiều ở các cổ phiếu khác.
VN-Index kết phiên sáng tăng nhẹ 2,43 điểm tương đương 0,24%. Độ rộng ghi nhận 122 mã tăng/272 mã giảm. VN30-Index cũng tăng 0,1% với 16 mã tăng/10 mã giảm. Midcap giảm 0,28%, Smallcap giảm 0,68%. Dòng tiền bất ngờ giảm mạnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, Midcap sáng nay chỉ còn 1.888 tỷ đồng, thấp hơn cả rổ VN30 dù không tính NVL. Smallcap mới giao dịch hơn 550 tỷ đồng.
Điểm tích cực là nhóm blue-chips tuy thanh khoản rất kém, nhưng vẫn có trụ để giữ nhịp chỉ số. VCB tăng 2,07% sau nhịp giảm gần 10% sau 5 phiên trước đó. BID tăng 2,1%, GAS tăng 1,52%, VRE tăng 1,29%, BVH tăng 2,27%. Phía giảm may mắn cũng không có nhiều trụ rơi sâu, giảm nhiều nhất là VNM -1,02%, MWG -1,85%, GVR -2,03%. CTG, VIC cũng nằm trong số giảm nhưng không đáng kể.
Dù vậy với độ rộng khá hẹp, rủi ro nhà đầu tư chứng kiến danh mục sụt giảm giá trị vẫn lớn hơn là có lãi. Trong 122 cổ phiếu còn tăng giá ở HoSE, chỉ 49 mã đạt mức tăng trên 1%. Ngược lại trong 272 mã giảm, có tới 133 mã giảm trên 1%. Nhóm bất động sản xuất hiện nhiều cổ phiếu bị bán rất mạnh và giá rơi sâu. HPX bị xả hơn 12,3 triệu cổ tương đương 86,5 tỷ đồng và giá lại giảm sàn. DIG giảm 5,92% với thanh khoản 222,8 tỷ đồng; PDR giảm 5,48% giao dịch 163 tỷ; KDH giảm 5,19% giao dịch 28 tỷ; DXG giảm 4,49% giao dịch 83,5 tỷ...
Nhìn chung các nhóm cổ phiếu như bất động sản, xây dựng, đầu tư công hay các mã cá biệt như HVN cũng đều gặp áp lực bán nhất định. Quan điểm đầu cơ nhanh đang phổ biến và nhà đầu tư có nhu cầu thu tiền về. HVN mở cửa sáng nay còn ở giá kịch trần, kết phiên sáng chỉ còn +3,19%...
Điểm sáng là dòng vốn ngoại vẫn chưa co hẹp thành xu hướng rõ ràng, mà chỉ trồi sụt qua từng ngày. Tuy vậy mức bán ra vẫn đang gia tăng là tín hiệu cần lưu ý. Chẳng hạn NVL là một giao dịch cá biệt có thể thay đổi không đoán trước được. Trong khi đó dòng vốn nội đang suy giảm nghiêm trọng mới là điều cần quan tâm.