January 19, 2022 | 21:11 GMT+7

Thanh long tụt giá không phanh, chưa có giải pháp tiêu thụ lâu dài

Vũ Khuê -

Phụ thuộc vào cửa khẩu của Trung Quốc, điệp khúc “không thông quan”, “đóng cửa khẩu biên giới” lặp đi lặp lại khiến các vựa thanh long của Việt Nam đang bấp bênh, giá bán tụt thê thảm...

Bình Thuận có 33.500 ha trồng thanh long với sản lượng gần 695.000 tấn/năm.
Bình Thuận có 33.500 ha trồng thanh long với sản lượng gần 695.000 tấn/năm.

Bình Thuận, Tiền Giang, Long An là 3 tỉnh có diện tịch trồng thanh long lớn nhất cả nước. Riêng Bình Thuận có 33.500 ha trồng thanh long với sản lượng gần 695.000 tấn/năm. Long An với diện tích 11.800 ha, cho sản lượng 316.000 tấn/năm. Tỉnh Tiền Giang có 9.600 ha thanh long, sản lượng hơn 241.000 tấn/năm.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, sản lượng thanh long thu hoạch trong tháng 1/2022 của tỉnh khoảng 80.000 tấn; tháng 2/2022 khoảng 35.000 tấn; tháng 3/2022 khoảng 236.700 tấn (bằng 30% sản lượng cả năm).

Sản lượng lớn này lại đang là áp lực tiêu thụ cho người trồng khi gần 80% đầu ra thanh long phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhưng các cửa khẩu phía Bắc hiện đang bị ách tắc, tạm ngừng thông quan, còn tiêu thụ trong nước không xuể.

Tại “Hội nghị Xúc tiến Thanh long Việt Nam tại Ấn Độ” ngày 19/1, ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch chiếm khoảng 70%-80%. Số ít còn lại xuất khẩu chính ngạch sang một số quốc gia châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore… và một số nước khu vực châu Âu, châu Mỹ.

Xuất khẩu thanh long phụ thuộc vào Trung Quốc nên thị trường bấp bênh. Hiện thanh long Bình Thuận đang ùn ứ tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) khoảng 1.000 xe do phía Trung Quốc tạm dừng một số cửa khẩu.

Trong khi đó, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu tạm ngưng thu mua. Một số ít doanh nghiệp chỉ mua tạm thời để lưu kho nhưng số lượng rất ít.

Còn cơ sở chế biến thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long các loại, rượu thanh long, kẹo thanh long… có năng lực chế biến nhỏ, công nghệ thấp nên chất lượng sản phẩm tạo ra chưa thu hút người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Tuấn Linh cũng cho hay, sản lượng thanh long cung cấp cho các siêu thị, chợ, nhà máy chế biến trong nước rất ít nên lượng tồn thanh long đang rất lớn, bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh Tiền Giang có diện tích vườn cây thanh long lớn, với khoảng 10.000 ha. Gần 80% sản lượng trái cây này xuất sang thị trường Trung Quốc. Từ đầu tháng 1 đến nay tiêu thụ thanh long Tiền Giang rất chậm do thương lái chưa tìm được thị trường.

Bên cạnh đó, khoảng 40 container với sản lượng trên 1.000 tấn trái cây, chủ yếu thanh long, mít, sầu riêng của Tiền Giang vẫn còn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai…

Chính vì thế, giá bán thanh long tại vườn cũng giảm rất mạnh. Hiện nay thanh long ruột trắng của Tiền Giang chỉ có giá 1.000 đồng – 4.000 đồng/kg, giảm 8.000 đồng so với thời điểm trước. Thanh long ruột đỏ khoảng 1.000 đồng-3.000 đồng/kg, giảm 13.000 đồng.

Trong khi đó, sản lượng thu hoạch thanh long của tỉnh trong tháng 1 và 2/2022 khoảng 40.000 tấn, trong đó tháng 1 khoảng 26.000 tấn, tháng 2 khoảng 18.000 tấn.

Trước khó khăn này, ông Linh cho biết, Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân nhưng mới chỉ là giải pháp trước mắt như phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đẩy mạnh tiêu thụ trong nước thông qua các hệ thống phân phối… mà chưa có giải pháp lâu dài.

Về lâu dài, theo ông Linh, cần có sự phối hợp giữa các sở ngành, UBND để tìm đầu ra cho trái cây Tiền Giang trên thị trường nước ngoài.

Bà Châu Thị Lệ, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cũng thông tin, Long An có sản lượng thanh long khoảng 350-400.000 tấn/năm, 80-85% là phục vụ xuất khẩu. Long An đang hướng tới phát triển thanh long công nghệ cao. Tuy nhiên, vào thời điểm này khi giá thanh long mua tại vườn cũng chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg (ruột đỏ) - kể cả với thanh long được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, đang làm nản lòng người trồng.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng Giám đốc Sông Lam ITD cho rằng, tại Việt Nam, thương nhân Trung Quốc qua thuê vựa, đặt hàng tại vựa, đến 90% thanh long Việt Nam đóng hàng cho Trung Quốc. Như vậy giá cả hầu như bên Trung Quốc áp đặt, quyết định.

"Đây là điều chúng ta cần xem xét lại. Vì họ qua Việt Nam đặt hàng, làm thương hiệu của chính họ, đồng thời họ cũng kiểm soát luôn giá thanh long. Do đó, cần lập Hiệp hội thanh long Việt Nam hoặc Chi hội thanh long cho những nhà nhập khẩu để phát triển đầu ra cho thanh long tốt hơn”, ông Duẩn kiến nghị.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate