Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa X sáng 11/7, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết Sở Du lịch TP.HCM sẽ xây dựng quy chế đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, rà soát quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho các khu vực có hoạt động kinh tế đêm…
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, 6 tháng đầu năm, khách du lịch quốc tế tăng 306% so cùng kỳ (nhưng chỉ bằng 50% so với năm 2019); thu hút hơn 16 triệu khách nội địa, (tăng 48%), doanh thu đạt hơn 48.000 tỷ đồng. Ngay sau dịch, ngành du lịch đã thực hiện kịch bản phục hồi với các chương trình nổi bật như "TPHCM chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City", chương trình "Mỗi quận, huyện phát triển một sản phẩm đặc trưng (OCOP)", đáp ứng được du lịch tại chỗ và phát huy du lịch nội địa.
Hiện, ngành du lịch Thành phố có 2 khó khăn chính. Đó là thiếu các cơ chế chính sách và nguồn nhân lực. Đây là những nội dung được xác định trọng tâm để tháo gỡ và tiếp tục tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách mới như huy động tài chính tái đầu tư cho các điểm du lịch xuống cấp; khuyến khích hỗ trợ người dân doanh nghiệp phát triển các sản phẩm; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực.
Trong công tác quảng bá, Sở Du lịch TP HCM cũng xây dựng cơ chế xúc tiến, quảng bá để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài.
Về công tác phát triển sản phẩm, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của TPHCM, ngành du lịch có 8 nhóm giải pháp đang thực hiện đồng bộ. Đó là, phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng… Trọng tâm là phát triển sản phẩm cho du lịch thành phố. Hiện ngành xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là văn hoá lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm.
Ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của Thành phố như du lịch đường thuỷ, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm. Hiện sở đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan lựa chọn các tuyến, xây dựng đề án phát triển du lịch của TP.HCM.
"Hiện, ngành du lịch Thành phố có 2 khó khăn chính. Đó là thiếu các cơ chế chính sách và nguồn nhân lực. Đây là những nội dung được xác định trọng tâm để tháo gỡ và tiếp tục tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách mới như huy động tài chính tái đầu tư cho các điểm du lịch xuống cấp; khuyến khích hỗ trợ người dân doanh nghiệp phát triển các sản phẩm; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực", Giám đốc Sở Du lịch TPHCM thừa nhận.
Về phát triển sản phẩm du lịch đường sông, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để phát triển du lịch đường thủy thì trước hết phải thúc đẩy giao thông đường thủy. Tuy nhiên, hiện nay người dân Thành phố chưa có thói quen sử dụng phương tiện giao thông thủy.
Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các cơ chế chính sách, đề án nâng chất lượng giao thông đường thủy kết hợp phát triển du lịch. Trong đó, ngành du lịch sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đầu và cuối các tuyến giao thông thủy; tổ chức các dịch vụ thể thao trên và dưới nước, các chương trình phục vụ du khách. Ngành du lịch cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ quảng bá các sản phẩm du lịch.
Về kinh tế đêm, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng đây sẽ là lĩnh vực làm tăng chi tiêu của du khách. Hiện nay các địa phương, nhất là Quận 1 và Quận 3 đang tập trung xây dựng các tuyến phố đi bộ về đêm gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, mua sắm. Trong chức năng của mình, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường; rà soát các quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho các khu vực có hoạt động kinh tế đêm.
Tại buổi chất vấn, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cũng đề cập tới chương trình mở cửa cho du khách tham quan trụ sở HĐND, UBND TPHCM. Đây là một hướng phát triển rất mới, nhận được hưởng ứng của du khách. Trên cơ sở phản hồi tích cực của du khách, Sở sẽ phát huy thế mạnh này, gắn các di sản, di tích trên địa bàn và các tuyến du lịch của thành phố nhằm tăng tính hấp dẫn của du lịch thành phố.