Năm 2023, TP.HCM đặt kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế, hơn 35 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu khoảng 160.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số đơn vị lữ hành cho rằng, hiện khách đến TP.HCM chỉ lưu trú từ nửa ngày đến 1 ngày, không ở dài ngày như trước nữa.
Điều này cho thấy rằng sức hấp dẫn của du lịch TP.HCM đã bão hoà, sự khác biệt nay đã trở thành phổ biến khi các trung tâm mua sắm lớn (mall), các toà nhà cao tầng, các sản vật đặc thù riêng có cũng đã tràn lan ở nhiều tỉnh thành khác… Việc kéo khách đến và lưu trú dài ngày đang là điều trăn trở của các cơ quan nhà nước, các hãng lữ hành…
KHÁCH DU LỊCH CHỈ LƯU TRÚ TRONG NGÀY
Theo khảo sát sơ bộ của Sở Du lịch TP.HCM, mức chi tiêu bình quân mỗi ngày (thời điểm trước dịch Covid-19) của khách quốc tế đến TP.HCM khoảng 3 triệu đồng/người/ngày và của khách nội địa là 1,6 triệu đồng/người/ngày.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, mức chi tiêu của khách đến TP.HCM chưa xứng với tiềm năng. Một trong các nguyên nhân là xu hướng tiêu dùng của du khách thay đổi (khách tiết kiệm hơn, đi các tour ngắn ngày hơn…). Kế đến, sau đại dịch Covid-19, nhiều sản phẩm du lịch không thể khai thác do doanh nghiệp chưa đủ lực khôi phục; một số dịch vụ cao cấp chưa hoạt động trở lại, thiếu tính đa dạng để đáp ứng nhu cầu vui chơi của khách… Do vậy, Sở Du lịch đang gấp rút thống kê và có những khảo sát, đánh giá chi tiết vấn đề này để phục vụ cho công tác phát triển du lịch trong thời gian tới.
Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục các phương án thu hút dòng khách đến từ các thị trường chi tiêu cao như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Australia…, với các gói sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, nhóm khách MICE (hội thảo kết hợp du lịch) sẽ được TP.HCM đón tiếp bằng các tour đường sông, khám phá ẩm thực đêm Sài Gòn, du lịch golf, mua sắm…
Còn bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết khách quốc tế đến TP.HCM tuy đạt mục tiêu đề ra, nhưng so với trước dịch thì vẫn còn một khoảng cách lớn. Tổng lượng khách du lịch quốc tế quý 1/2023 giảm 31% so với thời điểm trước dịch (2019).
Tính đến hết quý 1/2023, tổng khách du lịch đến TP.HCM đạt 8,6 triệu lượt, tăng gần 79,2% so với cùng kỳ. Tổng thu du lịch đạt 36.112 tỷ đồng, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2022. Dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 37,2%, dịch vụ du lịch lữ hành tăng 84,5%, góp phần phục hồi ngành kinh tế dịch vụ của thành phố.
Theo bà Hoa, ngành du lịch thành phố vẫn còn những hạn chế, khó khăn ảnh hưởng nhất định đến quá trình phục hồi và phát triển. Trong đó, có những hạn chế từ nội tại của cơ quan quản lý ngành du lịch, nhưng cũng không ít khó khăn xuất phát từ đặc trưng của ngành du lịch là ngành “kinh tế tổng hợp”, có “liên ngành, liên vùng, liên cấp, liên cơ quan”.
Cơ sở hạ tầng cho giao thông nói chung và cho du lịch nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Hệ thống cầu đường chưa được mở rộng nâng cấp theo nhịp phát triển đô thị, mật độ phương tiện lưu thông cao nên thiếu điểm dừng đỗ đón trả khách tại các tuyến điểm tham quan. Sản phẩm du lịch đường thủy vẫn còn thiếu bến thủy, cầu tàu. Thành phố vẫn chưa có cảng chuyên dụng đón khách tàu biển quốc tế.
Ngoài ra, với sự cạnh tranh của các thị trường khách du lịch quốc tế và trong nước ngày càng mạnh mẽ. Cơ cấu thị trường khách du lịch của thành phố còn thiếu tính đa dạng, phụ thuộc vào một số thị trường ở khu vực Đông Bắc Á, nhưng các thị trường này lại chậm mở cửa…
LIÊN TỤC TẠO SẢN PHẨM MỚI, RIÊNG BIỆT
Tại buổi làm việc với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.HCM vào đầu tháng 4/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng ngành du lịch thành phố cần nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong năm 2023 là tập trung triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 với mục tiêu chính: Tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng; Tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch thành phố; Thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch.
Hiện Sở Du lịch đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp quận, huyện và TP. Thủ Đức triển khai thực hiện cập nhật quy hoạch 411 bến cảng, bến thủy nội địa theo quy định, phục vụ phát triển quy hoạch vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy, lựa chọn các bến cần ưu tiên đầu tư phát triển du lịch bằng đường thủy để cập nhật quy hoạch và triển khai đầu tư nâng cấp trong năm 2023. Tăng cường lắp đặt các bảng chỉ dẫn du lịch tại các điểm đến, sân bay, bến xe, cửa ngõ thành phố.
Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Sở Công thương tham mưu xây dựng Bộ tiêu chí chung về các tuyến phố ẩm thực để các quận, huyện và TP. Thủ Đức thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả và gắn với bản sắc văn hóa của địa phương…
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của thành phố, cần có sự chia sẻ để tạo ra chuỗi sản phẩm, tạo lợi nhuận cao nhất. Với nguồn lực còn hạn chế thì không nên ôm đồm và dàn trải, nên tập trung. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tập trung sản phẩm chất lượng, đầu tư chiều sâu để có giá trị gia tăng lớn hơn; Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng; Đẩy mạnh quảng bá, tận dụng khoa học - công nghệ trong giới thiệu TP.HCM.
Còn theo ông Phan Văn Mãi, UBND thành phố rất quan tâm đến ngành du lịch, vì đây là ngành kinh tế tổng hợp. Trong tháng 4, Sở phải hoàn chỉnh trình chiến lược và kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành du lịch.
“TP.HCM đã ký kết hợp tác với các vùng, ngành du lịch cần thiết kế sản phẩm du lịch gắn kết với các vùng để cùng phát triển du lịch. Các sở cùng phối hợp ngành du lịch góp phần xây dựng thương hiệu thành phố. Tiếp tục nghiên cứu phát triển ngành kinh tế tổng hợp và ngành du lịch phải đóng vai trò chủ lực và đóng góp ngày càng lớn cho phát triển của thành phố”, ông Mãi nhấn mạnh.